Xuất khẩu xi măng cạnh tranh gay gắt

Theo Bộ Xây dựng, tình hình tiêu thụ xi măng trong năm 2016 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là xuất khẩu. Nhằm giảm bớt áp lực cạnh tranh, nhiều dự án xi măng đã được giãn, hoãn, điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch và dự kiến năm nay không có thêm dây chuyền xi măng nào đưa vào hoạt động.

(SGGP).- Theo Bộ Xây dựng, tình hình tiêu thụ xi măng trong năm 2016 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là xuất khẩu. Nhằm giảm bớt áp lực cạnh tranh, nhiều dự án xi măng đã được giãn, hoãn, điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch và dự kiến năm nay không có thêm dây chuyền xi măng nào đưa vào hoạt động.

Lượng tồn kho trên cả nước hiện ước khoảng 2,95 triệu tấn, tương đương khoảng 15-16 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker. Hiện nay, Bangladesh vẫn là thị trường xuất khẩu xi măng lớn nhất của Việt Nam, trong tháng đầu năm 2016, sản lượng xuất khẩu xi măng gần 500.000 tấn, chiếm 34,4% tổng sản lượng xi măng xuất khẩu, tương đương trị giá khoảng 15,12 triệu USD.

Ngoài áp lực của xuất khẩu, tiêu thụ xi măng trong nước cũng gặp nhiều khó khăn do nguồn cung đang dư thừa. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất xi măng Việt Nam cần có những giải pháp sản xuất và tiêu thụ hợp lý, tránh gây thêm áp lực cho tiêu thụ trong nước. Bộ sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan thúc đẩy các chương trình sử dụng xi măng như làm đường bê tông xi măng, vật liệu xây không nung… nhằm gia tăng sức tiêu thụ xi măng tại thị trường trong nước, bảo đảm sự phát triển ổn định của ngành xi măng.

LẠC PHONG

* Thổ Nhĩ Kỳ đánh thuế mạnh đá granite nhập khẩu từ Việt Nam

(SGGP).- Cục Quản lý cạnh tranh-Bộ Công thương cho biết, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vừa ban hành kết luận cuối cùng về vụ việc điều tra hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá với đá granite nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, trên cơ sở tài liệu và kết quả thẩm tra tại chỗ, Thổ Nhĩ Kỳ kết luận rằng, các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam (ngoại trừ 2/5 công ty được xác định là tự tiến hành sản xuất) đã thực hiện hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá mà Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng đối với sản phẩm đá granite nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, mức thuế chống bán phá giá đang áp dụng với đá granite nhập khẩu từ Trung Quốc (174 USD/tấn) cũng sẽ được áp dụng đối với đá granite nhập khẩu từ Việt Nam, trừ các giao dịch có liên quan đến sản phẩm sản xuất bởi hai công ty này (các giao dịch này phải xuất trình giấy chứng nhận sản xuất). Ngoài ra, những thay đổi về mức thuế chống bán phá giá áp dụng đối với Trung Quốc cũng sẽ được áp dụng đối với Việt Nam.

Trong bản kết luận cuối cùng, bộ này xác định có 5 nhà sản xuất, xuất khẩu đã hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra, trong đó, có hai công ty được xác định là có cơ sở sản xuất tại Việt Nam và tự tiến hành sản xuất sản phẩm; 3 công ty còn lại cũng có cơ sở sản xuất và tiến hành sản xuất tại Việt Nam, nhưng một số thông tin do các công ty này cung cấp lại không được chứng thực. Các công ty khác do không trả lời đầy đủ bản câu hỏi và cung cấp thiếu thông tin nên bị coi là không hợp tác. Trong trường hợp này, các dữ liệu sẵn có được sử dụng để xác định việc lẩn tránh thuế.

THẢO TIÊN

* Nhập khẩu thép tăng đột biến

(SGGP).- Theo Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu phôi thép tháng 1-2016 tiếp tục tăng đột biến, khoảng 340.000 tấn, tăng 232% so với cùng kỳ năm trước với kim ngạch nhập khẩu ước đạt 91,4 triệu USD, tăng 98% so với cùng kỳ 2015. Đáng chú ý, giá phôi thép nhập khẩu bình quân trong tháng 1-2016 chỉ khoảng 269USD/tấn (giá CFR về đến Việt Nam), giảm gần 68% so với mức giá cùng kỳ năm 2015. Đây được xem là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp cán thép trong nước thay vì sản xuất phôi đã đi nhập khẩu phôi ngoại, chủ yếu từ Trung Quốc với giá thành rẻ hơn để cán thép nhằm thu được lợi nhuận cao hơn.

Trước đó, Bộ Công thương đã ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài và dự kiến sẽ áp dụng những biện pháp tự vệ tạm thời đối với hai sản phẩm nói trên. Theo đó, dự kiến áp thuế suất 45% đối với phôi thép và 30% đối với thép dài, nếu xét thấy cần thiết.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục