Xuất xứ chữ “Song hỷ”

Hỏi: Xin cho biết thời gian và xuất xứ của chữ “Song hỷ”, dùng trong dịp đám cưới.Hồ Hảo Hớn (Cụm phà Hậu Giang, 79 Trần Phú, TP Cần Thơ)

Hỏi: Xin cho biết thời gian và xuất xứ của chữ “Song hỷ”, dùng trong dịp đám cưới.
Hồ Hảo Hớn (Cụm phà Hậu Giang, 79 Trần Phú, TP Cần Thơ)

AN CHI: Chuyện xảy ra vào đời Bắc Tống (960 – 1126) mà chủ yếu cũng chỉ là giai thoại. Nhân vật ở đây là Vương An Thạch (1021 – 1086), tự là Giới Phủ, hiệu là Bán Sơn, người Lâm Xuyên, tỉnh Giang Tây. Vương học giỏi, đỗ đạt cao, làm quan đến chức tể tướng. Thế nhưng cũng có lúc “bí chữ”.

Chuyện là trên đường lên kinh ứng thí, họ Vương đi qua một vùng, ở đó có một phú ông hay chữ đang chọn rể cho con gái. Ông nhạc tương lai ra một câu đối treo cạnh chiếc đèn lồng:

Mã tẩu đăng, đăng tẩu mã; đăng tức, mã đình bộ
(Ngựa làm đèn chạy, đèn làm ngựa chạy; đèn ngừng, ngựa dừng bước).

Vắt óc mà không tìm ra được câu chữ để đối và… được vợ, An Thạch đành phải tiếp tục lên đường và đậu Thám hoa. Vua ra cho một câu đối:

Hổ phi kỳ, kỳ phi hổ; kỳ quyển, hổ tàng hình
(Hổ khiến cờ bay, cờ khiến hổ bay; cờ cuộn, hổ mất tăm)

Chàng Vương sướng rơn. Vì thông minh có thừa nên chàng lập tức nhớ lại và “đạo” câu xuất của vị phú ông nọ mà đối với câu xuất của vua. Và ta có một cặp câu đối rất đẹp:

Hổ phi kỳ, kỳ phi hổ; kỳ quyển, hổ tàng hình.
Mã tẩu đăng, đăng tẩu mã; đăng tức, mã đình bộ.

Trên đường vinh quy, Vương cũng không quên ông già kén rể bèn ghé lại, và tất nhiên cũng “đạo văn” mà lấy câu xuất của vua để đối lại. Ta cũng có một cặp đối rất đẹp, nhưng đảo ngược thứ tự trước sau. Ông già Ba Tri đời nhà Tống rất hài lòng nên anh chàng “đạo văn” được vợ. Lễ cưới được tổ chức tại nhà cô dâu và ngay trong ngày thì vị tân khoa cũng nhận được sắc vua phong làm tể tướng. Hai niềm vui đến cùng một lúc: đại đăng khoa (thi đỗ) và tiểu đăng khoa (được vợ). Vương An Thạch bèn viết hai chữ hỷ to tướng bên cạnh nhau, để tặng cha vợ và để gửi về nhà. Hai chữ hỷ  bên cạnh nhau, đó là song hỷ.

Cứ theo giai thoại thì song hỷ là hai niềm vui (đỗ đạt và được vợ) đến cùng một lúc chứ không phải là niềm vui của nhà trai và niềm vui của nhà gái. Nhưng dân gian lại cứ muốn hiểu theo cách sau cho phù hợp và ở đây có lẽ là ta nên phát huy… “tự do tư tưởng” chăng?

Tin cùng chuyên mục