Xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch cho ĐBSCL: Cần cơ chế phối hợp

Xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch cho ĐBSCL: Cần cơ chế phối hợp

Theo nhận định của các chuyên gia, khu vực ĐBSCL còn rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, thương mại… Tuy nhiên, cả vùng hiện nay vẫn còn làm theo phong trào, thiếu cơ chế phối hợp giữa các địa phương.

Du lịch sinh thái là thế mạnh của ĐBSCL. Trong ảnh: Một góc khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (Đồng Tháp Mười). Ảnh: H.T.V.
Du lịch sinh thái là thế mạnh của ĐBSCL. Trong ảnh: Một góc khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (Đồng Tháp Mười). Ảnh: H.T.V.

Nhu cầu bức bách

Thời gian qua, các trung tâm xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch (ĐT-TM-DL) ở ĐBSCL đều gia nhập câu lạc bộ xúc tiến ĐBSCL. Trên cơ sở đó, các trung tâm xúc tiến ĐT-TM-DL các tỉnh, thành dần khẳng định vai trò đầu mối và cầu nối của doanh nghiệp nhằm tiếp cận thị trường trong, ngoài nước, cải thiện hình ảnh chung của khu vực. Tuy nhiên, việc hợp tác xúc tiến ĐT-TM-DL của các tỉnh ĐBSCL chưa đạt kết quả như mong muốn.

Theo ông Vương Đình Ngân, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), tính chuyên nghiệp trong công tác này tuy có cải thiện nhưng còn thấp so với yêu cầu, chưa tiếp cận được chương trình xúc tiến lớn, tầm cỡ quốc gia... Hiện nay, phần lớn các chương trình chỉ chú trọng khảo sát, tìm hiểu thị trường nước ngoài, chưa chú ý thị trường trong nước; chủ yếu kêu gọi đầu tư các nhà máy sản xuất, chế biến, ít quan tâm đến lĩnh vực xây dựng hạ tầng, môi trường và vùng nguyên liệu; phương thức tổ chức xúc tiến yếu kém. Ví dụ tỉnh nào cũng tổ chức hội chợ triển lãm và các hội chợ này diễn ra cùng thời gian, hay chỉ chênh nhau vài ngày. Tiền bỏ ra nhiều mà hiệu quả mang lại không cao và không thu hút được doanh nghiệp tham gia.

 “Do các tỉnh ĐBSCL có lợi thế tiềm năng cũng như những khó khăn tương tự nhau, trình độ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng không chênh lệch nhiều nên muốn thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài các tỉnh cần hỗ trợ nhau trong việc xây dựng một hình ảnh chung cho khu vực” - ông Lưu Phước Lượng, Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ đề nghị. Với thế mạnh của ĐBSCL nên hướng vào mời gọi đầu tư những tập đoàn lớn có trình độ công nghệ cao ở những nước có thế mạnh về nông nghiệp. Các tỉnh cũng cần tính toán việc phối hợp sao cho có hiệu quả trong hoạt động xúc tiến thương mại.

Hướng mở cần thiết

Hiện tổng vốn đầu tư FDI của vùng chiếm chưa quá 10% tổng vốn FDI cả nước. Ông Bùi Quốc Trung, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) nói: “Thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực ĐBSCL rất thấp. Chỉ một vài địa phương như Long An, TP Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang thu hút nguồn vốn FDI khá, các địa phương còn lại không đáng kể. Hoạt động xúc tiến chưa thật sự nổi bật và chưa hấp dẫn nhà đầu tư”.

Từ năm 2007, diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) được hình thành. Đây là diễn đàn đối thoại chính sách và hợp tác kinh tế mở, được tổ chức thường niên nhằm tiếp thu những sáng kiến, đề xuất, kiến nghị và kinh nghiệm, hợp tác xúc tiến và đối ngoại để phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL. MDEC do 4 nhóm cơ quan phối hợp chỉ đạo: Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Bộ Công thương và các tỉnh thành ĐBSCL.

Từ kiến nghị của MDEC, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương triển khai đề án “Xây dựng Trung tâm Thông tin ĐBSCL tại TPHCM”. Theo đề án này, Trung tâm Thông tin ĐBSCL tại TPHCM là cơ quan trực thuộc Bộ Công thương, đầu mối phản ánh đầy đủ các thông tin kinh tế - xã hội các địa phương vùng ĐBSCL. Trong đó, chú trọng tới các lĩnh vực kinh tế công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xúc tiến đầu tư, nông nghiệp, du lịch,... và đặc biệt nhấn mạnh các thông tin sản phẩm tiêu biểu, thông tin dự báo phát triển kinh tế vùng ĐBSCL. Đây cũng là nơi trưng bày sản phẩm tiêu biểu của vùng đến với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đề án sẽ được sẽ triển khai từ quý 2-2010 và đưa vào vận hành từ quý 4-2011 với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 108,754 tỷ đồng...

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải, Trung tâm Thông tin ĐBSCL sẽ là trung tâm thương mại điện tử, đưa thông tin trở thành một nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế, đáp ứng cho yêu cầu phát triển vùng ĐBSCL.

Tháng 3 vừa qua, lãnh đạo TP Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Bộ Công thương tổ chức cuộc họp lấy ý kiến UBND các tỉnh, thành phố khu vực về đề án này. Đến nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về địa điểm xây dựng trung tâm, cơ chế phối hợp giữa các tỉnh thành. Đa số các ý kiến đều cho rằng đề án cần tính toán thật kỹ về đào tạo nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc... để đáp ứng yêu cầu hoạt động, vận hành có hiệu quả khi trung tâm chính thức đi vào hoạt động; Trung tâm Thông tin ĐBSCL nên đặt tại TP Cần Thơ – trung tâm của vùng ĐBSCL để đảm bảo tính liên kết, phối hợp…

HÀM LUÔNG

Tin cùng chuyên mục