(SGGP).- “Chất lượng nguồn nước mặt ở ĐBSCL ngày càng suy giảm, xâm nhập mặn trên sông Hậu đã tiến sát Cần Thơ. Nguồn nước mặt ở các tỉnh phía hạ lưu gần như không thể sử dụng cho mục đích cấp nước vì nhiễm phèn và nhiễm mặn” là nhận định của đại diện Bộ Xây dựng ngày 28-1, tại buổi làm việc với đại diện Ngân hàng thế giới (WB) tại Cần Thơ.
Vấn đề cung cấp nước sạch cho người dân ở ĐBSCL trong vài năm gần đây gặp nhiều khó khăn, nhất là tác động của biến đổi khi hậu ngày càng khốc liệt. Khu vực ĐBSCL là khu vực được dự báo chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu trong đó có vấn đề mực nước biển dâng. Nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có 39% diện tích ĐBSCL bị ngập, 35% dân số bị tác động trực tiếp. Trong khi đó, nguồn nước ngầm trở thành nguồn cung cấp chính tại các tỉnh hạ lưu nhưng nguồn nước ngày càng xấu khi khai thác quá tải và thiếu kiểm soát. Trữ lượng nước suy giảm, đột sụt giảm mực nước 0,5 - 1 m đối với giếng tầng nông, 3 – 4 m đối với giếng khai thác sâu, kéo theo sụt lún nền đất.
Trước tình trạng trên, Bộ Xây dựng đang xúc tiến xây dựng dự án cấp nước liên tỉnh vùng ĐBSCL (Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang). Mục tiêu của dự án là đảm bảo an ninh nguồn nước, an sinh xã hội cho khu vực, cải thiện điều kiện sống và môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân khu vực ĐBSCL. Theo đó, Bộ Xây dựng dự kiế chọn phương án xây dựng 2 nhà máy nước sông Hậu, mỗi nhà máy có công suất 400.000m3/ngày; tổng nguồn vốn cần để đầu tư hoàn thiện hệ thống này khoảng 1,67 tỷ USD, nguồn vốn chủ yếu vay của Ngân hàng thế giới.
CAO PHONG