Xung đột Sudan khiến hơn 12.000 người thiệt mạng

Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), hơn 12.000 người đã thiệt mạng kể từ khi giao tranh nổ ra giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) vào giữa tháng 4 năm nay.

OCHA cho biết dự án Dữ liệu sự kiện và điểm xung đột vũ trang (ACLED) ước tính khoảng 12.190 người đã thiệt mạng kể từ khi giao tranh nổ ra vào tháng 4. So với 4 tuần trước đó, ACLED ghi nhận số trận giao tranh giảm 10% và số vụ nổ cũng như bạo lực từ xa ở Sudan giảm 38%. OCHA cho biết thêm, khoảng 5,3 triệu người đã phải di dời ở Sudan, trong đó khoảng 1,3 triệu người đã vượt biên sang các nước láng giềng, bao gồm Cộng hòa (CH) Trung Phi, CH Chad, Ai Cập, Ethiopia và Nam Sudan.

Cũng theo OCHA, số ca nghi mắc bệnh tả ở Sudan đã tăng hơn gấp đôi trong tháng qua. Trong một báo cáo nhân đạo, OCHA trích dẫn số liệu từ Bộ Y tế Sudan và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nêu rõ: “Tính đến ngày 3-12, số ca nghi mắc bệnh tả đã tăng hơn gấp đôi trong tháng qua và lên tới 5.414 trường hợp, trong đó có 170 trường hợp tử vong”. 2,2 triệu người ở Sudan đã được tiêm vaccine phòng bệnh tả do Bộ Y tế Sudan và WHO đồng phát động vào tuần trước.

1-1552.jpg
Giao tranh nổ ra ở Khartoum, Sudan. Ảnh: ANADOLU AGENCY

Giao tranh bùng nổ tại Sudan từ giữa tháng 4, tức 18 tháng sau khi Tướng Abdel-Fattah Burhan, chỉ huy SAF và Tướng Mohammed Hamdan Dagalo, chỉ huy RSF cùng tiến hành một cuộc đảo chính quân sự (tháng 10-2021) lật đổ chính phủ chuyển tiếp dân sự do phương Tây hậu thuẫn. Đảo chính và xung đột đã dập tắt hy vọng về một sự chuyển đổi hòa bình sang chính quyền dân sự. Căng thẳng giữa hai tướng ngày một gia tăng khi không đạt được sự đồng thuận về phân quyền.

Một số thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được, nhưng cả hai bên đều cáo buộc nhau vi phạm các thỏa thuận này. Theo Tổ chức di cư quốc tế (IOM) của LHQ, hiện có tới 25 triệu người Sudan cần được bảo vệ và viện trợ nhân đạo

Tin cùng chuyên mục