Việc các doanh nghiệp trong nước đề nghị cơ quan điều tra, áp thuế chống bán phá giá là một tiền lệ tốt, giúp bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trong vụ kiện chống bán phá giá thép không gỉ mới đây của chỉ hai doanh nghiệp nhưng chiếm lĩnh trên 81% thị phần, trong khi chưa sản xuất ra được nguồn nguyên liệu cơ bản cho ngành này đang đi ngược lại lợi ích, đồng thời khuyến khích cho sự độc quyền và lợi ích nhóm.
Giả sử, nếu báo cáo sơ bộ của cơ quan điều tra chống bán phá giá vụ thép không gỉ được chính thức thông qua áp dụng, hậu quả gì sẽ xảy ra? Trước mắt, nếu mức thuế sơ bộ được cơ quan có thẩm quyền áp dụng ngay sẽ đẩy các doanh nghiệp sản xuất inox của trong nước cũng như người tiêu dùng vào tình thế vô cùng khó khăn và khó tránh khỏi bị thiệt hại không thể khắc phục được.
Bởi bản chất thuế chống phá giá sơ bộ lên thép cán nguội không gỉ nhập khẩu, thực chất sẽ do chính các đơn vị sản xuất sử dụng nguyên liệu thép cán nguội không gỉ nhập khẩu và người tiêu dùng gánh chịu, chứ không phải là bên xuất khẩu nước ngoài. Do vậy, pháp luật về chống phá giá đòi hỏi cơ quan điều tra phải xem xét để cân bằng lợi ích giữa các nhà sản xuất khởi kiện và người nhập khẩu, người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong quyết định sơ bộ của cơ quan điều tra chống bán phá giá, lợi ích của các doanh nghiệp này và người tiêu dùng chưa được cơ quan điều tra xem xét một cách thỏa đáng, cân bằng với bên khởi kiện.
Đối với các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu thép không gỉ, họ sẽ bị chặn đứng khả năng tiếp cận nguyên liệu thép cán nguội không gỉ với mức giá cạnh tranh khi mà giá thép không gỉ do các doanh nghiệp khởi kiện cung cấp tại thị trường trong nước đã cao hơn từ 10% - 20% so với thị trường quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước chưa cung cấp được thép không gỉ cán nguội với giá thành, chất lượng và chủng loại hợp lý.
Đến thời điểm này, nguồn nhập khẩu từ 4 quốc gia, vùng lãnh thổ bị điều tra (lãnh thổ Đài Loan, Malaysia, Indonesia và Trung Quốc) là nguồn nguyên liệu chủ yếu của các doanh nghiệp sản xuất trong nước và việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ thị trường thay thế hợp lý chưa khả thi.
Trên thực tế, việc nhập khẩu mặt hàng này từ một số quốc gia, vùng lãnh thổ hiện đang có mức thuế là 10%, nếu áp thuế thêm nữa các doanh nghiệp sản xuất inox trong nước chỉ còn lựa chọn là thu hẹp sản xuất, “nhường” thị phần cho hàng thành phẩm cho nước ngoài. Và hệ lụy là các doanh nghiệp này sẽ bị thiệt hại lớn, hàng ngàn công nhân mất việc làm, thất thu hàng chục tỷ đồng ngân sách mỗi năm từ tiền thuế.
Cũng cần nói thêm, các sản phẩm inox, đặc biệt là đồ gia dụng được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng phổ biến và trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân. Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, việc áp thuế sơ bộ như nêu trên sẽ làm tăng giá mặt hàng đồ gia dụng inox, tạo thêm gánh nặng cho người dân.
THẢO TIÊN