Sáng kiến IYFV 2021 được công bố ngày 16-12, tại khóa họp thứ 74 của Đại hội đồng LHQ, được đánh giá là “cơ hội duy nhất để nâng cao nhận thức toàn cầu” về vai trò quan trọng của rau và trái cây đối với dinh dưỡng con người, an ninh lương thực và sức khỏe.
Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh: Trong cuộc khủng hoảng sức khỏe chúng ta đang phải đối mặt trên toàn thế giới hiện nay, việc thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch là đặc biệt cần thiết. Ông cho rằng đại dịch Covid-19 đã thách thức mọi người tìm ra các phương thức mới để chống lại nạn đói và suy dinh dưỡng.
Trong thông điệp của mình, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi một “cách tiếp cận toàn diện” hơn đối với dinh dưỡng và tính bền vững, đồng thời lưu ý rằng Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực của LHQ trong năm 2021 sẽ là cơ hội để xem xét hệ thống lương thực mong manh - một trong những hệ lụy lớn nhất của dịch Covid-19.
Cùng chung số phận với các ngành du lịch, vận tải, hàng không…, ngành nông nghiệp trên toàn thế giới cũng lao đao bởi những biện pháp đối phó với dịch Covid-19 như đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội..., khiến không chỉ hàng triệu lao động trong ngành này không thể ra đồng thu hoạch và trồng trọt mà chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu bị đứt gãy do hoạt động vận tải bị tê liệt.
Thực trạng này từng được các nhà kinh tế cảnh báo, trong vòng xoáy của dịch bệnh Covid-19, thế giới có thể lâm vào tình trạng khủng hoảng an ninh lương thực trầm trọng, nhất là những nước nghèo đông dân đang vật lộn với nạn đói dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Việc dịch bệnh chưa thể chặn đứng vẫn tiềm ẩn mối nguy của một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu.
Để giảm thiểu nguy cơ này, sáng kiến IYFV 2021 cũng kêu gọi cải thiện sản xuất lương thực lành mạnh và bền vững thông qua đổi mới và công nghệ, giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm. Làm thế nào để thực phẩm không bị hư hỏng, đủ thực phẩm cho người nghèo và người yếu thế với giá cả không bị đội lên.
Trong quy trình cải thiện chuỗi trồng trọt và sản xuất nông sản, giới chức LHQ khuyến khích các nước coi IYFV 2021 là cơ hội để cải thiện cơ sở hạ tầng, phương thức canh tác, từ đó hỗ trợ những nông dân sản xuất quy mô nhỏ và những đối tượng khác, đặc biệt những người sống ở nông thôn và thành thị đã bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian dài. Chỉ có trồng rau và trái cây là cách tốt để những đối tượng này thu được lợi nhuận.
FAO khẳng định IYFV 2021 sẽ nêu bật vai trò của công nghệ kỹ thuật số trong việc cải thiện dinh dưỡng và mang lại cơ hội về thị trường. Dựa vào công nghệ kỹ thuật số, đã đến lúc thế giới tập trung vào các thách thức và giải pháp nhằm giảm gián đoạn các hoạt động trao đổi thương mại thực phẩm và nông nghiệp trước, trong và sau đại dịch Covid-19.