Chấn chỉnh ngay công tác chống dịch CGC tại các địa phương

TPHCM: Lập đội chống dịch cơ động phòng chống cúm gia cầm

Ngày 28-12, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm (PCDCGC) Cao Đức Phát đã có Công điện khẩn số 43 BNN/CĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bộ, ngành trong Ban chỉ đạo quốc gia PCDCGC yêu cầu nhanh chóng triển khai ngay các nội dung Công điện 2119/CĐ-TTg ngày 22-12 của Thủ tướng Chính phủ về việc kịp thời khống chế, ngăn chặn dịch CGC tái phát.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chấn chỉnh ngay công tác tổ chức chỉ đạo phòng, chống dịch CGC ở địa phương; kiện toàn và khôi phục lại hoạt động Ban chỉ đạo phòng, chống dịch CGC các cấp; lập kế hoạch cụ thể và phân công người chịu trách nhiệm thực hiện từng nội dung phòng chống dịch. Trên cơ sở đó, tổ chức kiểm tra việc thực hiện trên từng địa bàn, chú trọng vào khu vực ổ dịch cũ, cơ sở chăn nuôi, khu vực có nguy cơ cao.

Các cơ quan chức năng chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng và lên phương án huy động lực lượng để đối phó khi dịch xảy ra; bố trí cán bộ chính quyền, đoàn thể phối hợp tổ chức giám sát dịch, tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tới từng hộ gia đình.

Huy động lực lượng cán bộ chuyên môn ngành chăn nuôi, thú y bố trí về từng xã, đảm bảo mỗi xã xó ít nhất 1 cán bộ có mặt thường xuyên để hỗ trợ chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện các biện pháp kỹ thuật phong chống dịch; có chính sách khuyến khích lực lượng thú y tư nhân tham gia chống dịch. Bố trí đủ kinh phí để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, không để xảy ra tình trạng vì thiếu kinh phí mà không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.

Các bộ, ngành trong Ban chỉ đạo và địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp kỹ thuật sau trong tháng 1 và 2-2007. Trong đó chú trọng, tổ chức giám sát dịch đến tận hộ gia đình nhằm phát hiện nhanh, xử lý triệt để ổ dịch, kiên quyết không để dịch lây lan rộng; tổ chức thực hiện tháng hành động vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường tại những khu vực có nguy cơ cao, chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia cầm, chợ buôn bán gia cầm, khu vực có ổ dịch cũ, hố chôn gia cầm bệnh; tổ chức tiêm phòng bổ sung triệt để cho đàn gia cầm đặc biệt là đàn thủy cầm; kiên quyết tiêu hủy đàn gia cầm của hộ chăn nuôi nào không thực hiện việc tiêm phòng theo quy định.

VĂN NGHĨA 

TPHCM: Lập đội chống dịch cơ động phòng chống cúm gia cầm

(SGGP).- Ngày 28-12, Sở Y tế TPHCM chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn chuẩn bị các phương án sẵn sàng hành động phòng chống cúm A H5N1 trên người. Theo TS, BS Lê Trường Giang-Phó giám đốc Sở Y tế, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở Cà Mau - Bạc Liêu và Hậu Giang, có nguy cơ lan rộng và lây nhiễm sang người. TPHCM đang đối diện với nguy cơ xảy ra dịch cúm A H5N1 ở người do tiếp xúc nguồn gia cầm mắc bệnh xâm nhập vào thành phố hoặc tiếp xúc với người bệnh đến từ các vùng có dịch. Các quận huyện khẩn cấp lập kế hoạch diễn tập phòng chống dịch cúm A H5N1, đặc biệt chú ý thiết lập khu vực điều trị cách ly tại các trung tâm y tế quận huyện và khu cách ly kiểm dịch tại cộng đồng, chuẩn bị đội chống dịch cơ động (gồm lực lượng dự phòng và điều trị) được trang bị đầy đủ thuốc men, hóa chất, phương tiện phòng hộ và trang thiết bị phục vụ điều trị.

NG.TR.

Tin cùng chuyên mục