Chống dịch lở mồm long móng

Thực hiện biện pháp “ 5 không”

Thông tin liên quan:
Thực hiện biện pháp “ 5 không”

Ngày 16-5, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị phòng chống bệnh lở mồm long móng (LMLM) ở gia súc nhằm tìm các biện pháp phối hợp dập dịch với sự tham gia của lãnh đạo 41 tỉnh, thành trong cả nước.

Thực hiện biện pháp “ 5 không” ảnh 1

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), hiện nay bệnh LMLM đã lan ra 221 xã của 89 huyện, thuộc 28 tỉnh. Việc dập dịch LMLM ngày càng khó khi có nhiều typ virus mới xuất hiện. Hiện virus LMLM được xác định có 7 typ (A, O, C, SAT1, Sat2, Sat3, Asia1) và hơn 60 tuýp phụ, nên việc phòng bệnh bằng vaccine là rất khó khăn vì cần xác định được tuýp chính, typ phụ phù hợp với virus gây bệnh thì việc tiêm phòng mới có hiệu quả.

Bộ NN-PTNT thừa nhận, bệnh LMLM có khả năng lây lan rất nhanh, rất mạnh; sự lây lan không chỉ do tiếp xúc trực tiếp giữa động vật khỏe mạnh mà còn gián tiếp thông qua nhiều đường, kể cả ngoài không khí. Do vậy, bệnh dễ phát thành đại dịch, gây thiệt hại về chăn nuôi, ảnh hưởng đến kinh tế một vùng rộng lớn.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đưa ra các biện pháp cấp bách trước mắt để phòng dịch, đó là vận động người chăn nuôi trong từng thôn xã ký cam kết thực hiện “5 không”: không giấu dịch; không mua gia súc bệnh, sản phẩm gia súc mắc bệnh đưa về thôn; không bán chạy gia súc mắc bệnh; không thả rong, không tự vận chuyển gia súc mắc bệnh LMLM ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia súc nghi mắc bệnh LMLM bừa bãi.

Các địa phương phải thành lập các tổ chuyên trách giám sát phát hiện bệnh LMLM; thực hiện tiêm phòng và vệ sinh phòng bệnh. Khi phát hiện có dịch bệnh, dịch xuất hiện ở một thôn trở lên thì công bố xã có dịch; 2 xã trở lên thì công bố huyện có dịch và 2 huyện trở lên thì công bố tỉnh có dịch.

 Bộ NN-PTNT đề nghị mức hỗ trợ khoảng 70% giá trị của gia súc khi tiêu hủy. Hiện Bộ Tài chính đã cụ thể hóa con số này và đang kiến nghị với Chính phủ hỗ trợ bình quân 10.000 đồng/kg đối với lợn và 15.000 đồng/kg đối với trâu bò. Đây là mức trung bình, còn tại các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ ra quyết định về mức hỗ trợ này.

* Chiều 16-5, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục Phó Chi cục Thú y TPHCM cho biết, sẽ xử phạt trường hợp hộ chăn nuôi gia súc nào không chịu tiêm phòng, nhất là vaccine LMLM theo quy định của Pháp lệnh Thú y. Chi cục thú y TPHCM và các tỉnh cũng đã thống nhất, hạn chế giết mổ sẵn trước khi đưa về TP, nếu đã giết mổ phải còn nguyên mảnh (không được pha lóc) nhằm dễ kiểm soát.

LÊ VĂN - CÔNG PHIÊN

Thông tin liên quan:

Bộ NN-PTNT đề xuất mức hỗ trợ: 10.000 đến 30.000 đồng/kg gia súc bị tiêu hủy

Quyết liệt như chống dịch cúm gia cầm H5N1

Khống chế không để lây lan

Nghiêm cấm tiêu thụ thịt gia súc bị bệnh

Tin cùng chuyên mục