Dịch lở mồm long móng ở gia súc

Khống chế không để lây lan

Khống chế không để lây lan

Chiều 11-5, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã triệu tập các bộ ngành liên quan tổ chức họp khẩn cấp bàn biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh lở mồm long móng (LMLM) ở gia súc.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải coi việc chống dịch LMLM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong giai đoạn hiện nay; tập trung mọi nguồn lực có thể để khống chế không để dịch LMLM lây lan thêm.

Bộ NN-PTNT phải xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai chương trình thanh toán bệnh LMLM giai đoạn 2006-2010 đã được Chính phủ phê duyệt; chủ động phân bổ nguồn vaccine dự trữ quốc gia, kinh phí tiêm phòng, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh LMLM.

Khống chế không để lây lan ảnh 1
Nên cẩn thận khi sử dụng, chế biến thịt gia súc

Bộ Tài chính và các ngành hữu quan nhanh chóng ban hành quyết định chính sách hỗ trợ tài chính cho các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh LMLM. Các bộ, ban ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, giúp người dân nhận thức cho đúng tính chất nguy hại của dịch LMLM đối với ngành chăn nuôi, nền kinh tế đất nước, biết cách phòng, chống bệnh hiệu quả. Các tỉnh có dịch cần lập ngay Ban chỉ đạo phòng, chống dịch LMLM tại địa phương theo đúng Pháp lệnh Thú y.
 
Theo Bộ NN-PTNT, dịch LMLM đang xảy ra ở 183 xã, phường của 74 quận, huyện thuộc 21 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Cạn, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Cần Thơ, Sóc Trăng. Có 9.246 con trâu, bò và 12.220 lợn bị chết và tiêu hủy do mắc bệnh LMLM. 

Trước tình hình dịch lở mồm long móng ở gia súc đang lan nhanh ở nhiều địa phương, để chủ động phòng bệnh không lây lan sang người hôm qua, 11-5, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo việc phòng chống dịch lở mồm long móng (LMLM) ở gia súc lây sang người. Để phòng triệt để nguy cơ lây sang người qua tiếp xúc trực tiếp với gia súc bị bệnh, Bộ yêu cầu các địa phương tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.

Cụ thể, người dân nên sử dụng thịt gia súc nấu chín kỹ trước khi ăn; không ăn thịt, sữa và các sản phẩm của gia súc mắc bệnh; tránh tiếp xúc với gia súc mắc bệnh; tiêu hủy gia súc mắc bệnh. 

V.N. - Q.P.

Tin cùng chuyên mục