Câu lạc bộ Phòng chống HIV/AIDS - Vì đâu tan rã?

Câu lạc bộ Phòng chống HIV/AIDS - Vì đâu tan rã?

Sau hơn 12 năm hoạt động, Khoa Phòng chống HIV/AIDS trực thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM vừa bị “khai tử”. Cán bộ, nhân viên của khoa này, người xin nghỉ việc, người bị chuyển đổi đi nơi khác. Sự việc chưa xong thì đến lượt Câu lạc bộ Bạn Giúp Bạn (một mô hình phòng chống HIV/AIDS được đánh giá thành công đầu tiên tại TPHCM) cũng có nguy cơ bị giải thể. Cán bộ, nhân viên của các đơn vị trên đang kêu cứu.

  • Khai tử đáng ngờ

Ngày 20-7, ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đã ký ban hành Quyết định số 751/QĐ-SYT giải thể Khoa Phòng chống HIV/AIDS của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, chấm dứt sứ mệnh sau hơn 12 năm hoạt động.

Đơn kêu cứu của cán bộ - nhân viên và quyết định “khai tử” Khoa Phòng chống HIV/AIDS của Giám đốc Sở Y tế TPHCM.
Đơn kêu cứu của cán bộ - nhân viên và quyết định “khai tử” Khoa Phòng chống HIV/AIDS của Giám đốc Sở Y tế TPHCM.

Khoa Phòng chống HIV/AIDS được thành lập căn cứ Quyết định số 2468/1999/QĐ-BYT ngày 17-8-1999 của Bộ trưởng Bộ Y tế về “Quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Trung tâm Y tế dự phòng thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”. Theo đó Khoa Phòng chống HIV/AIDS chịu trách nhiệm tham mưu điều phối các hoạt động dự phòng (cấp 1, 2), điều tra, thu thập, báo cáo số liệu dịch tễ về HIV/AIDS cho Sở Y tế, UBND TP, Bộ Y tế.

Với những vai trò như vậy, trong nhiều năm qua, Khoa Phòng chống HIV/AIDS đã đóng góp rất lớn trong các dự án, chương trình phòng chống HIV/AIDS của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, việc giải thể Khoa Phòng chống HIV/AIDS đã thực sự hợp lý hay chưa? Theo Quyết định 751/QĐ-SYT mà ông Phạm Việt Thanh ký thì căn cứ chính để “kết liễu” Khoa Phòng chống HIV/AIDS dựa trên Quyết định số 05/2006/QĐ-BYT ngày 17-1-2006 về việc ban hành “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố trực thuộc trung ương”.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Luyến (nguyên Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS) bức xúc vì trình tự thủ tục giải thể chưa đúng, chưa có ý kiến góp ý của cán bộ khoa và chưa sắp xếp công ăn, việc làm cho cán bộ trước khi giải thể. “Đến nay chưa có ai được bố trí công việc đúng nguyện vọng, làm cho viên chức chán nản và đã có người phải xin nghỉ việc”, BS Luyến nói.

Điều đáng nói, việc giải thể Khoa Phòng chống HIV/AIDS mà hiện TPHCM vẫn chưa thành lập Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS như một đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố (vẫn duy trì Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS) là đi ngược chủ trương của Chính phủ.

Năm 2005, Chính phủ đã có Quyết định số 243/2005/QĐ-TTg ngày 5-10-2005 quy định: “…Tất cả các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đều thành lập trung tâm phòng, chống và kiểm soát HIV/AIDS trên cơ sở các đơn vị đang thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS thuộc các trung tâm y tế dự phòng hiện nay”. Điều đó có nghĩa lẽ ra Khoa Phòng chống HIV/AIDS của Trung tâm Y tế dự phòng TP phải được “nâng cấp” lên thành trung tâm thì nay bị giải thể một cách khó hiểu.

Được biết, năm 2006, Trung tâm Y tế Dự phòng TP đã xây dựng đề án và có Tờ trình 275-TTr/YTDP-TCHC ngày 15-5-2006 về phương án thành lập Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thuộc Sở Y tế TP. Tuy nhiên, do TPHCM tồn tại Ủy ban Phòng, chống HIV/AIDS, nên đề án thành lập trung tâm đã bị “treo lại” đến nay. “Giải thể Khoa HIV/AIDS mà không cho thành lập Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS là hoàn toàn trái quy định của pháp luật, dẫn đến việc TPHCM không có một đơn vị sự nghiệp nào thuộc Sở Y tế chịu trách nhiệm về công tác phòng chống HIV/AIDS, trái với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, gây hậu quả khó lường đối với công tác bảo vệ sức khỏe của người dân thành phố” - BS Luyến khuyến cáo.

  • Cần điều tra rõ

Là mô hình đầu tiên được triển khai tại TPHCM, trực thuộc Khoa Phòng chống HIV/AIDS của Trung tâm Y tế dự phòng TP từ năm 1995, Câu lạc bộ (CLB) Bạn Giúp Bạn bao gồm thành viên là những người nhiễm HIV/AIDS đã rất tích cực tuyên truyền, hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS. Ngoài việc tổ chức văn nghệ tuyên truyền, phát bao cao su, tư vấn miễn phí, những thành viên CLB còn tham gia chăm sóc những người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Lúc cao điểm, mạng lưới cộng tác viên của CLB lên tới 2.000 người ở khắp 24 quận huyện.

“Hơn 15 năm hoạt động, câu lạc bộ đã tuyên truyền, tư vấn giúp những người nhiễm HIV/AIDS hòa nhập cộng đồng, giúp ích cho xã hội, góp phần kéo giảm tỷ lệ người nhiễm HIV mới. Vậy mà nay cũng đang tan rã” - ông Bùi Quang Thủy, Chủ nhiệm CLB Bạn Giúp Bạn, nói.

Mới đây, CLB đã có đơn xin cứu xét gửi Sở Y tế TPHCM và khiếu nại lên UBND TPHCM cho rằng mấy năm qua CLB không được quan tâm, không được tập huấn kiến thức phòng chống HIV/AIDS như những năm trước đây. Tuy vậy, những thành viên CLB vẫn tích cực hoạt động, nhất là chăm sóc những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.

Trước sự lo lắng giải thể CLB, ngày 5-9 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận đã chỉ đạo Sở Y tế xem xét khiếu nại của các thành viên câu lạc bộ. Ngày 7-10, Sở Y tế TPHCM tổ chức cuộc họp giữa đại diện CLB và Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS và đưa ra chủ trương chuyển CLB Bạn Giúp Bạn về Hội Phòng chống HIV/AIDS. Như vậy, trụ sở của câu lạc bộ ở 43 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận sẽ thuộc về Hội Phòng chống HIV/AIDS, một đơn vị xã hội?.

“Nguyện vọng của các thành viên câu lạc bộ là được trực thuộc một đơn vị sự nghiệp nhà nước như trước đây để thuận lợi cho hoạt động” - ông Thủy trăn trở.

Là mô hình được quốc tế công nhận và 2 lần được Bộ Y tế khen tặng nhờ hoạt động hiệu quả phòng chống HIV/AIDS, giờ đây CLB Bạn Giúp Bạn đang đứng trước nguy cơ bị giải thể mà quyền lợi, chế độ của thành viên cũng không được đề cập tới. Hơn nữa, có dư luận cho rằng việc giải tán CLB này để hợp thức hóa cho Hội Phòng chống HIV/AIDS. Điều này UBND TPHCM cần có sự cân nhắc, điều tra và làm rõ sao cho hợp tình, hợp lý.

TƯỜNG LÂM   

Tin cùng chuyên mục