Cũ nát, nhếch nhác, xập xệ, là cảm giác có thể dễ dàng nhận thấy khi bước chân tới nơi được gọi là Zone 9 hay “hợp tác xã nghệ thuật”. Song không chỉ dừng ở cảm giác, mà thực tế, chính tại nơi đây, khi sau vụ tai nạn sập lan can khiến một đôi nam nữ ngã bất tỉnh chưa lâu, dư luận lại bàng hoàng bởi sự ra đi của 6 người trong vụ hỏa hoạn tại một quán bar ở Zone 9. Vậy mà chưa đầy 1 tuần sau tai nạn kinh hoàng ấy, khu “hợp tác xã nghệ thuật” ấy lại tiếp tục mở cửa hoạt động bình thường. Vì sao?
Vùng nghệ thuật?
Zone 9 thực chất là một khu nhà xưởng được xây dựng từ những năm 50 - 60 thế kỷ trước của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2 với hai cổng vào là khu số 9 Trần Thánh Tông và số 38 Nguyễn Huy Tự, bên cạnh Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. Khu vực này gồm 5 khu nhà tập thể được đặt tên A, B, C, D, E. Trước khi được phân ra từng khu vực để cho thuê làm thành các cửa hàng, quán cà phê, quán bar, khu nhà từng bị bỏ hoang nhiều năm và được tận dụng làm khu vực giữ ô tô.
Từ đầu năm 2013, chủ khu đất tung ra giá cho thuê gây “sốc” khoảng 50.000 - 60.000 đồng/mét vuông/tháng khiến những dãy nhà hoang trở nên nhộn nhịp khi thu hút rất đông các nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia… đến để mở xưởng, mở quán. Sức nóng của Zone 9 được đẩy lên khi nhiều “anh tài” đến đây mở quán như kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh đồng chủ quán Barbetta, Nguyệt Ca với cà phê sách, rồi Chu Minh Vũ, Hồ Hoài Anh, Kim Ngọc, Đức “nhà sàn”… Những khoảng trống ở khu vực này được lấp đầy với tốc độ chóng mặt của các hiệu thời trang, studio ảnh, quán cà phê, xưởng vẽ…
Trên thế giới, những “arts district” (khu nghệ thuật) đã xuất hiện ở Los Angeles (Mỹ) hay 798 Art Zone Bắc Kinh (Trung Quốc) với diện tích lên đến hàng trăm ngàn mét vuông, và các nghệ sĩ tiên phong là những người đầu tiên “hồi sinh” khu vực bỏ không ấy rồi hình thành nên tổ chức cộng đồng nghệ sĩ mang tính tự giác và chuyên nghiệp cao. Và nhiều người hồ hởi so sánh nó với những không gian nghệ thuật trẻ, hiện đại ở đâu đó tận bên Mỹ, bên châu Âu, bên Trung Quốc. Zone 9 - một cái “arts district” như ở tận Paris đã có, nhưng là của giới trẻ Việt, tại Hà Nội.
Những cảnh báo bị bỏ qua
Nhưng sự đông đúc về số lượng cũng không thể làm thay đổi cảm quan chung về khu nhà xưởng cũ nát, xập xệ trước đó. Những khuôn cửa sổ xộc xệch, lan can cầu thang gỉ sét, những mảng tường tróc lở có thể rơi từng mảng vữa bất cứ lúc nào… Nhiều người cho rằng hình ảnh đó càng thể hiện yếu tố nghệ thuật, độc đáo, là điểm nhấn khai thác khung cảnh xưa cũ… Song không mấy ai chịu nhìn nhận sự nhếch nhác, thiếu an toàn đó là thể hiện ở lối suy nghĩ về sự không bền vững.
Khi đầu tư vào đây, nhiều nghệ sĩ không phải không nhận ra được sự bấp bênh, thiếu bền vững của khu vực này song nhiều người vẫn tặc lưỡi cho rằng đó là một cuộc chơi chấp nhận mạo hiểm. Phần lớn các chủ quán đều không đầu tư nhiều vào sửa sang mà chủ yếu vẫn tận dụng những nền tảng cũ nát với những vật liệu rẻ tiền và sau đó khoác cho chúng lớp vỏ “nghệ thuật” nhằm khơi dậy bản tính hiếu kỳ, thích “độc, lạ” của khách hàng rồi dần dẫn dụ họ cuốn theo cuộc chơi mạo hiểm ấy.
Cơ sở vật chất rách nát, thiếu an toàn của Zone 9 đến một người bình thường cũng có thể cảm nhận được bằng cảm quan nhưng phải tới lúc xảy ra vụ một đôi nam nữ bị ngã bất tỉnh do sập lan can của tòa nhà này người ta mới giật mình nghĩ tới độ an toàn. Và nhiều người cũng cho rằng, nếu lúc đó, những đơn vị chức năng thật sự vào cuộc thì có lẽ đã không xảy ra vụ hỏa hoạn kinh hoàng khiến 6 người thiệt mạng sau đó không lâu ở khu vực này.
Thế nhưng, cũng giống như trước đây, chỉ sau vài ngày đóng cửa vì hỏa hoạn, khu “hợp tác xã nghệ thuật” này lại hoạt động trở lại bởi một số người có trách nhiệm ở địa phương cho rằng muốn đóng cửa khu vực này phải có tiền; rằng an toàn hay không không thể đánh giá bằng mắt thường được, tai nạn là rủi ro… Nhưng, điều gì có thể đảm bảo rằng những khung nhà được xây dựng bằng bê tông cốt thép đã lở lói và bỏ hoang từ nhiều năm trước là an toàn cho các hoạt động vui chơi, giải trí?
MAI AN
- Vụ cháy quán bar số 9 (Hà Nội) - Xử lý cá nhân, đơn vị liên quan