Đến với khu phố cổ Hà Nội

Bài 1: Những căn “nhà khổ”

Bài 1: Những căn “nhà khổ”

Phía sau những cửa hiệu, nhà hàng, khách sạn sang trọng ở khu phố cổ Hà Nội là những khu nhà ngột ngạt, ẩm thấp, chật chội, tối tăm, bất tiện, nguy hiểm, kỳ quặc tới mức nhiều người không thể tin nổi. Bởi thế, nhiều người mới gọi khu phố cổ là “khu phố khổ” giữa thủ đô.

  • Nhà hay “ổ”
Bài 1: Những căn “nhà khổ” ảnh 1

Cụ Thuận, 81 tuổi, sống trong gian nhà ở 34 ngõ Phất Lộc (Hàng Buồm) chỉ có 2m2, chật tới mức chiếc tivi kê sát tận mặt, phải đặt cao lên cho khỏi chói mắt.

Chúng tôi rẽ vào ngõ Phất Lộc, phố Hàng Buồm. Trước ngôi nhà số 34 xập xệ, mốc meo, hai cụ già ngồi buồn thiu. Hỏi tại sao ngồi ở đây, một cụ bảo: “Trong nhà ngột ngạt quá. Tôi phải ngồi đây để thở một tí”. Tên cụ là Nguyễn Thị Hiếu, 69 tuổi. Rồi cụ dẫn tôi đi qua mảnh sân bừa bộn chum vại, bể nước, chén bát, bếp than, dây phơi quần áo… vào 1 trong hơn 10 căn nhà nằm chen chúc trong cái lối đi tối thui, sâu hun hút.

Không thể gọi đây là nhà, cũng không là phòng, mà phải gọi theo cách của cụ là “cái ổ”. Tất cả chỉ rộng… 1,5m2. Cụ bảo, có giường cũng không thể đem kê được. Bởi cả “cái ổ” chỉ đủ trải một mảnh chiếu. Phía trong, đủ kê thêm 1 tủ gỗ và 1 tủ lạnh con con.

Tệ hơn, chỉ có 1,5m2 nhưng là nơi ăn ngủ của 3 người, gồm: cụ, một người con trai làm thợ điện và đứa cháu nội. “Đêm nằm, tôi không thể quay người được. Muốn duỗi thẳng chân thì phải cho chân vào gầm tủ. Muỗi cắn sưng húp cả chân”- cụ than thở. Nhà chật tới mức, người con dâu cả của cụ đêm phải về nhà mẹ đẻ ngủ và nếu có hai người cùng đứng trong nhà cùng mặc áo thì cả hai đều phải thò tay ra ngoài cửa sổ mới mặc nổi.

Kề “cái ổ” của cụ Hiếu là “cái ổ” của cụ Thuận, 81 tuổi. Cụ đang ngồi trên tấm phản đen xỉn, dựa lưng vào bức tường gỗ bung thủng coi tivi. Nhà quá chật, chỉ 2m2, tivi lại đặt quá cao, nên để trông được hình ảnh, cụ phải liên tục ngửa mặt lên, cằm vểnh ra trông rất tội. Tôi hỏi nhà có mấy người, cụ bảo, nhà gồm 6 người, nhưng “chỉ có tôi với đứa con gái (chị Vũ Thị Dung, làm ở một xưởng phim, đã lấy chồng) ở đây thôi. Đứa cháu (con chị Dung) thi thoảng cũng đến ăn cơm, nhưng nhà chật quá nên tối nó lại về nhà bố ngủ”.

Loay hoay một lúc tôi mới tìm được chỗ ngồi trong căn nhà nồng nặc mùi nấm mốc, hơi người. Đến khi giơ máy chụp ảnh, muốn lấy một góc căn nhà mà không có chỗ để lùi chân. Cụ Thuận ái ngại: “Nhà tôi chật chội, vậy mà tôi đã phải sống ở đây 46 năm rồi đấy”.

Nhà cụ Hiếu, cụ Thuận đã ngột ngạt và chật chội nhưng so với gia đình ông Nguyễn Phùng Hải, 70 tuổi, ở “cái hang” 107 Hàng Bạc, vẫn còn chưa thấm vào đâu. Có lẽ tình cảnh gia đình ông Hải là kỳ cục nhất ở Hà Nội. Đó là từ năm 1979 đến nay, gia đình ông phải sống nhờ trên… nóc một cái toa-lét chung của 6 hộ dân. Từ mặt phố Hàng Bạc, để vào nhà ông, phải chui qua “cái hang” sâu 40m, tối om. Nhà ông nằm tít cuối “hang”. 10m2 dành cho 4 người. Sống trên nhà xí nên mùi nước cống, nước tiểu nồng nặc.

Bà Nguyễn Thị Sâm, 50 tuổi, vợ ông, đứng ở cửa nhà vệ sinh chỉ lên “tổ ấm” của mình, kể: “Trước, mái nhà của tôi làm bằng giấy dầu. Đêm mưa dột như nhà không có nóc. Tôi phải thức trắng đêm để hứng nước cho ông nhà tôi ngủ. Năm 2004, UBND phường Hàng Bạc đã giúp chúng tôi thay giấy dầu bằng tấm lợp. Nhưng chống được dột thì lại nóng như trong lò lửa”. Ông Hải chen vào: “Trời mưa đâu có ngủ nổi. Nhà chật lại thấp, nước mưa xối lên mái tôn như trống đánh trong lỗ tai”.

Ở số nhà 52 Hàng Bè còn có những chuyện lạ nữa. Chỉ một số nhà nhưng có tới 16 hộ gia đình với gần 100 con người. Ông Nguyễn Văn Khải, 73 tuổi, một chủ hộ sống trong căn phòng rộng 9m2 ở tầng hai, kể: “Gần 100 con người chen chúc mà chỉ có 1 nhà vệ sinh gồm 3 cái hố đặt ở cuối dãy tầng dưới. Nhiều buổi sáng, chúng tôi phải đứng xếp hàng để đi vệ sinh”.

  • Ở thì khổ, chuyển đi không xong

Tôi trở lại UBND phường Hàng Buồm, mong tìm một lời giải cho những “ngôi nhà khổ” nhưng ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường trầm giọng, bảo: “Phường cũng rất thương bà con, nhưng cả phường đều chung tình cảnh như vậy, nên không lo xuể”. Ông ái ngại: “Ngay cả cái trụ sở của UBND phường đây cũng có thể coi là… nhà khổ! Mang tiếng trụ sở chính quyền, nhưng tổng diện tích cả 3 tầng chỉ có 67m2. Riêng gian phòng mà chúng ta đang ngồi đây, chỉ rộng có 8m2 nhưng phải xếp chỗ cho 2 phó chủ tịch phường, 2 cán bộ địa chính và 1 ông tổ trưởng dân phố”.

“Nhiều lúc, 4-5 anh em phải nhường nhịn nhau, chứ cùng ngồi thì khó làm việc lắm”, ông Thắng giãi bày. Theo ông, cả phường có tới 11.096 người nhưng diện tích đất để ở chỉ có 0,13km2. Đặc biệt, xếp kỷ lục là địa chỉ 53 Hàng Buồm, “nhồi nhét” tới 50 hộ với 200 con người mà chỉ có 7 nhà vệ sinh chung. Cứ tính, buổi sáng, mỗi người đi vệ sinh mất 5 phút. Vậy thì trong 200 người, người thứ 200 phải đợi đến 12 giờ trưa mới đến lượt!”. Ông Thắng bảo.

Ông Nghiêm Xuân Giao, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc, cũng thổ lộ rằng ở phường ông, hầu như nhà nào ở sau mặt phố cũng chật, cũng tối tăm, phải thắp điện suốt ngày đêm. Theo ông, ở phường Hàng Bạc, có những khu nhà đến nay vẫn như đang sống ở thời những năm 60, 70 của thế kỷ 20. Chẳng hạn như các số nhà 42, 50 Hàng Bạc, 35 Gia Ngư… Mỗi số nhà có tới 25-30 “tổ ấm”. Trong đó, ngôi nhà 42 Hàng Bạc nguyên là cái đền. Nay gần 150 con người đã vào chiếm cả chỗ của thánh thần!

“Không gian và điều kiện sống khắc nghiệt như vậy, ở không được mà chuyển đi cũng không xong”, ông Giao băn khoăn. Lý do, phố cổ thực sự là nơi tấc đất tấc vàng. Mỗi mét vuông giá tới hàng chục triệu đồng. Nhưng rao bán mãi chẳng ai mua. Còn theo ông Đỗ Ngọc Thanh, 65 tuổi, chủ nhân ngôi nhà 47 Hàng Bạc, còn có một nghịch lý khác. Hiện nay, UBND TP. Hà Nội đã duyệt danh mục 274 ngôi nhà cổ thuộc diện cần phải trùng tu, bảo tồn. Bởi vậy, trước mắt, theo yêu cầu của Ban quản lý phố cổ, nhà cổ Hà Nội, chủ nhân của những ngôi nhà trên buộc phải bảo vệ nguyên trạng. Nhưng, khổ nỗi, 95% nhà cần bảo tồn nguyên trạng đều là “nhà khổ”, đang bị xuống cấp quá trầm trọng…

VĂN PHÚC HẬU
 

Tin cùng chuyên mục