Băn khoăn xu hướng một luật sửa nhiều luật

Hồ sơ đề nghị xây dựng một số dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ, tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vẫn còn diễn ra thường xuyên.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định

Chiều 16-4, UBTVQH nghe và thảo luận về điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật năm 2018 và chương trình xây dựng pháp luật 2019. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Qua thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhận định, thời gian qua, thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động lập pháp đã được cải tiến trong tất cả các khâu. Các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian hơn cho việc tổ chức góp ý xây dựng các dự án luật; công tác chỉnh lý kỹ thuật văn bản ngày càng đi vào nền nếp. Tình trạng nợ đọng văn bản dần được khắc phục...

Tuy nhiên, việc lập và triển khai Chương trình vẫn còn những hạn chế. Hồ sơ đề nghị xây dựng một số dự án luật (như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Phòng, chống HIV/AIDS (sửa đổi), Luật Dự phòng, nâng cao sức khỏe...) chưa được chuẩn bị kỹ, tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình vẫn còn diễn ra thường xuyên (năm 2017 bổ sung 6 dự án, lùi thời gian trình 5 dự án, rút khỏi Chương trình 3 dự án, 2 dự án được thông qua theo quy trình 3 kỳ họp. Năm 2018, Chính phủ đề nghị điều chỉnh thời gian trình 3 dự án, bổ sung 10 dự án)...

“Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về xu hướng một luật sửa nhiều luật, lồng ghép các ưu đãi làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định”, ông Định cho biết. Đơn cử, việc ban hành Luật Quy hoạch dẫn đến phải sửa hơn 25 luật; xây dựng Luật Quốc phòng (sửa đổi) yêu cầu sửa đổi, bổ sung ban hành mới 9 luật, pháp lệnh; nhiều luật lồng ghép các ưu đãi...
Về chương trình xây dựng pháp luật năm 2018, người đứng đầu cơ quan thẩm tra nhận định, đề nghị của Chính phủ được chuẩn bị sớm, công phu hơn, Tờ trình và hồ sơ kèm theo lần đầu tiên được gửi đúng hạn, mặc dù chất lượng hồ sơ đề nghị xây dựng luật vẫn còn những điểm phải lưu ý.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị rút ra khỏi Chương trình 1 dự án, lùi thời gian trình 2 dự án, bổ sung vào Chương trình 10 dự án luật (trong đó có 6 dự án liên quan đến Luật Quy hoạch), 1 dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua thẩm tra, đề nghị tại kỳ họp thứ 5, trình Quốc hội thông qua 8 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết (trong đó có nhóm một luật sửa 11 luật); cho ý kiến 9 dự án luật (trong đó có nhóm một luật sửa 04 luật).

Tại kỳ họp thứ 6, trình Quốc hội thông qua 14 dự án luật, trong đó có 9 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5; 1 dự án (Luật Bảo vệ bí mật nhà nước) đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4; 3 dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến quy hoạch được xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công (nếu chuẩn bị tốt) và cho ý kiến 5 dự án luật khác. Đồng thời, bổ sung vào Chương trình năm 2018 dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường.

“Các dự án khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung khi đủ điều kiện”, ông Định nói thêm.

Về dự kiến Chương trình năm 2019, Ủy ban Pháp luật kiến nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 sẽ gồm 16 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội.

Đồng thời, ông Định cho biết, nhiều ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ báo cáo về dự kiến đề xuất xây dựng luật trong thời gian tới để thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết.

Tin cùng chuyên mục