Bất động sản Đồng Nai: Nhiều cơ hội nhưng lắm rủi ro

Nói về thị trường BĐS Đồng Nai, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết, hiện Đồng Nai có 300 dự án đã và đang làm bồi thường. Trong số đó, có những nhà đầu tư vay ngân hàng trong bối cảnh lãi suất cao, nên rủi ro lớn.

 

Tại buổi toạ đàm về thị trường bất động sản (BĐS) Đồng Nai, nhận diện cơ hội và rủi ro tổ chức tại TPHCM sáng ngày 14-9, nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời gian qua, Đồng Nai trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư BĐS nhờ sở hữu nhiều lợi thế.

Bất động sản Đồng Nai: Nhiều cơ hội nhưng lắm rủi ro ảnh 1 Quang cảnh toạ đàm sáng ngày 14-9
Cụ thể, với chủ chủ trương xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã khiến các khu vực xung quanh sân bay sôi động hơn. Thêm vào đó là hàng loạt công trình giao thông trọng điểm cũng liên tục được Chính phủ triển khai đã giúp cho thị trường BĐS Đồng Nai trở thành sự lựa chọn thích hợp trong xu hướng dịch chuyển về các địa phương lân cận như TPHCM để mua đất an cư, nhất là trong bối cảnh giá đất nền ở TPHCM đã ở mức khá cao và đang có chiều hướng tiếp tục tăng.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, giao thông là vấn đề then chốt của thị trường BĐS Đồng Nai. Bên cạnh việc dựa trên khung phát triển giao thông vùng, tỉnh Đồng Nai còn dựa trên định hướng phát triển các trục hướng tâm, các trục vành đai để đảm bảo kết nối đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực TPHCM với các tỉnh miền Đông Nam bộ, vùng Tây nguyên-Duyên hải Nam Trung bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long và quốc tế.

Chính định hướng này đã giúp tỉnh Đồng Nai có được sức hấp dẫn cụ thể đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là khi quỹ đất tại TPHCM đang ngày càng thu hẹp.

“Hạ tầng giao thông mang lại sinh lực cho bất động sản Đồng Nai. Tuy nhiên, thời gian qua, đầu tư vào Đồng Nai chủ yếu là đất nền, đón nhận nhiều sự quan tâm của thị trường hơn so với những phân khúc còn lại và Nhà đầu tư đầu tư thường đầu tư BĐS cho tương lai 5-7 năm sau”- ông Khương cho hay.

Bên cạnh sự phát triển, các chuyên gia cũng nhận định thị trường BĐS Đồng Nai cũng đã xuất hiện nhiều rủi ro về quy hoạch, phân lô và đặc biệt lợi dụng sự cả tin của nhà đầu tư, một số đơn vị môi giới có dấu hiệu lừa đảo khách hàng để trục lợi.

Bất động sản Đồng Nai: Nhiều cơ hội nhưng lắm rủi ro ảnh 2 Khách hàng tham quan một dự án tại xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch).
Theo Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam, tính tới hết năm 2016, Đồng Nai có tổng cộng 55 dự án nhà ở cung cấp gần 30.200 sản phẩm BĐS (căn hộ, nền đất) trên thị trường sơ cấp và thứ cấp. Trong đó, thị trường thứ cấp chiếm lĩnh tổng nguồn cung của Đồng Nai với khoảng 27.600 sản phẩm, hơn 90% tổng nguồn cung trong khi đó số lượng nguồn cung hiện hữu trên thị trường sơ cấp chỉ khoảng 2.600 sản phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai, kiêm Chủ tịch Hiệp hội BĐS Đồng Nai cho biết, dưới góc độ tỉnh Đồng Nai, được cả nước quan tâm tới dự án sân bay Long Thành là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao.

Liên quan đến dự án sân bay Long Thành, ông Lâm cũng cho biết, ngoài giải phóng mặt bằng, hiện tỉnh đã tách dự án để di dời dân, tổng mức vốn để bồi thường là 23.000 tỷ đồng.

Hiện Đồng Nai quy hoạch 21.000ha quanh sân bay Long Thành để làm khu công nghiệp, khu đô thị, phụ trợ cho dân cư. Quy hoạch 21.000ha đã được duyệt cách đây 7-8 năm, nay tình hình kinh tế xã hội đã khác, nên tỉnh Đồng Nai đã dừng lại quy hoạch 21.000ha để điều chỉnh quy hoạch và xin phép Chính Phủ thuê tư vấn nước ngoài.

“Đây chính là vấn đề để nói tiếp câu chuyện của nhà đầu tư thứ cấp”- ông Lâm nói.

Nói về thị trường BĐS Đồng Nai, ông Lâm cũng cho biết, hiện Đồng Nai có 300 dự án đã và đang làm bồi thường, có những nhà đầu tư vay ngân hàng trong bối cảnh lãi suất cao, nên rủi ro lớn.

Ông Lâm cũng đưa ra 3 nhóm đầu tư BĐS tại Đồng Nai. Nhóm thứ nhất là đã tiếp cận và gắn liền không gian với khu đô thị hiện có là TP Biên Hòa, Long Thành, Trảng Bom, Long Khánh. Nhóm này chỉ phát triển ngắn hạn  vì khu vực trung tâm quỹ đất cũng đã gần hết do thuận tiện giao thông.

Nhóm thứ 2 là vùng ngoại ô của những thị trấn, đô thị thì phải đầu tư từ 5-7 năm. Hạ tầng kỹ thuật kết nối vào hạ tầng kỹ thuật chính vẫn còn khó khăn. Những dự án của nhóm này có diện tích 200ha-300ha, tổng vốn đầu tư lớn nên đương nhiên sẽ phân kỳ đầu tư và kêu gọi nhiều nhà đầu tư, cả nhà đầu tư thứ cấp. Trong đó, có một số dự án đã triển khai, nhưng chủ yếu vẫn là phân lô bán nền. Nhiều dự án đã có hạ tầng kỹ thuật, nhưng không có hạ tầng xã hội, nên không có người đến ở. 

Nhóm thứ 3 là đầu tư các dự án xung quanh sân bay Long Thành, tổng quy mô 21.000ha nhưng chưa có quy hoạch. Nhà đầu tư thứ cấp muốn đầu tư vào đây thì cần có năng lực, có tài chính để giảm thiểu rủi ro, tránh như trường hợp của Nhơn Trạch.

Theo ông Lâm, “lướt sóng” BĐS cũng là 1 dạng kinh doanh nhưng rủi ro cao. Quan trọng là năng lực tài chính của nhà đầu tư đến đâu và tìm hiểu thông về quy hoạch thế nào để hạn chế rủi ro ở mức cao nhất.

Tin cùng chuyên mục