Các trường sư phạm phải bù lỗ

Các trường đào tạo ngành sư phạm đang đối diện nhiều khó khăn khi hàng năm phải bù lỗ vào chi phí đào tạo vì ngân sách cấp bù học phí không đủ, khó thu hút người giỏi vì chính sách đầu ra chưa hợp lý dù miễn giảm học phí…
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho rằng cần phải xóa bỏ chính sách miễn giảm học phí ngành sư phạm
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho rằng cần phải xóa bỏ chính sách miễn giảm học phí ngành sư phạm

Do đó, rất nhiều kiến nghị “sốc” như xóa bỏ miễn giảm học phí, sắp xếp lại các trường, cho vay… đã được bàn luận tại hội thảo “Tác động của chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đến chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên” diễn ra ngày 13-12 tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Các trường gặp khó

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, đề nghị: “Phải bỏ ngay lập tức chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm”. Dẫn chứng cho đề nghị táo bạo này, ông Dũng cho biết: “Trường tôi có 12 ngành sư phạm kỹ thuật và 1 ngành sư phạm tiếng Anh. Trong 10 năm nay, sinh viên đăng ký vào 13 ngành sư phạm này đều được miễn học phí hoàn toàn. Đó là sự bất công rất lớn, vì mỗi năm chúng tôi chỉ được nhận từ 5 - 8 tỷ đồng tiền cấp bù sư phạm. Trong khi đó, 10 năm qua chúng tôi phải bù lỗ khoảng 30 tỷ đồng để đào tạo cho số sinh viên này. Do đó, việc cấp bù quá ít khiến các trường đào tạo sư phạm rất khó khăn, không đủ nguồn lực để đào tạo cho “ra môn, ra khoai” được. 

Ông Dũng cũng đưa ra giải pháp: Với các gia đình ở nông thôn, vấn đề họ lo lắng là việc làm sau khi ra trường chứ không phải học phí. Cả khóa học, tính trung bình một sinh viên cần 150 triệu đồng để chi học phí và ăn ở trong 4 năm. Khi ra trường, em này đi làm 10 triệu đồng/tháng, thì chỉ sau một năm đã “gỡ” lại chi phí trên. Mặt khác, 90% sinh viên ngành sư phạm kỹ thuật ra trường đã có việc làm ngay ở các công ty xí nghiệp. Như vậy, nếu vẫn miễn học phí cho đối tượng này thì cả Nhà nước và nhà trường đều phải bỏ ra một khoản bù cho chi phí đào tạo là không cần thiết. Trường đang đề xuất Bộ GD-ĐT và Quốc hội thu học phí sinh viên sư phạm như các ngành học khác. Nếu sinh viên nào ra trường làm đúng ngành sư phạm, trường sẽ chuyển số học phí mà sinh viên đã nộp về Sở GD-ĐT. Từ số tiền này, sở sẽ chi trả thêm 3 - 4 triệu đồng/tháng cho các em. Cùng với lương họ nhận, số tiền “trả lại” này sẽ giúp các em ổn định cuộc sống trong những năm đầu đi làm. 

Dẫn chứng thêm về việc khó khăn của các trường sư phạm, Th.S Nguyễn Thị Yến Nam, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng thực tế không năm nào trường nhận đủ kinh phí cấp bù cho sinh viên sư phạm. Vì vậy, trường rất khó khăn trong việc bù lỗ kinh phí đào tạo sinh viên. Để giải quyết vấn đề này, bà Yến Nam cho rằng phải mạnh dạn trao quyền tự chủ cho các trường, thu học phí và định mức học phí tương xứng chất lượng đào tạo sư phạm và quan trọng nhất là chính sách ưu đãi tín dụng kèm theo đảm bảo công việc đầu ra cho sinh viên ngành sư phạm. 

Cần giải pháp đồng bộ

PGS-TS Nguyễn Thám, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) đồng tình: Đúng là việc cấp bù kinh phí cho sinh viên ngành sư phạm hiện nay quá thấp. Việc cấp bù hiện ở mức tối thiểu theo Nghị định 86 đối với ngành khoa học tự nhiên là 8,7 triệu đồng/năm/sinh viên, còn ngành khoa học xã hội nhân văn là 7,5 triệu đồng/năm/sinh viên. Thế nhưng, Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) chỉ cấp bù cho các trường 80% - 90% vào đầu năm học; số còn lại chờ đến cuối năm. Thực tế các trường cũng khó lấy đủ 100% kinh phí cấp bù này. Tuy nhiên, hiện nay mà bỏ chính sách miễn giảm học phí ngay thì tôi chắc chắn các trường sư phạm chỉ tuyển được 40% - 50% chỉ tiêu là cùng. Nếu việc cấp bù đủ cho chi phí đào tạo, các trường sư phạm không phải bù lỗ, đủ điều kiện để nâng cao chất lượng thì chắc chắn không ai muốn bỏ chính sách này.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, băn khoăn: Không thể giữ mức học phí như hiện nay. Việc bỏ chính sách miễn giảm học phí phải kèm theo giải pháp và chính sách phù hợp, vì thực tế khảo sát hiện nay tỷ lệ sinh viên khu vực nông thôn vào trường sư phạm đang cao hơn rất nhiều so sinh viên nông thôn vào trường khác. Do đó, muốn đánh giá việc miễn giảm học phí có thật sự thu hút được sinh viên giỏi vào học sư phạm hay không thì cần phải chứng minh một cách khoa học rồi xóa bỏ cũng chưa muộn. Nếu các trường sư phạm tăng học phí lên gấp 3 lần như hiện nay thì giải pháp kèm theo là Nhà nước chấp nhận rủi ro cho sinh viên sư phạm vay tiền để học, sau khi ra trường nếu làm trong lĩnh vực giáo dục thì được xóa nợ. Mặt khác, nếu sau khi ra trường sinh viên có thu nhập khoảng 7 - 10 triệu đồng/tháng, và sau 35 năm làm việc có thu nhập từ 30 - 35 triệu đồng/tháng thì chắc chắn ngành sư phạm có sức hút lớn. 

Ông Lê Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM, khẳng định: “Tôi đồng tình việc bỏ chính sách miễn học phí nhưng phải có lộ trình và phải có nghiên cứu ở cấp Nhà nước đi kèm. Tuy nhiên, nếu bỏ chính sách này thì điều kiện tiên quyết là phải tăng lương giáo viên. Tôi cam đoan trong số 100 giáo viên chỉ có vài ba người tâm huyết, sẵn sàng hy sinh vì nghề. Bản thân tôi từng là người tâm huyết, có một thời say mê với nghề dạy, nhưng tôi không thể sống với một đồng lương tiến sĩ chỉ 4 - 5 triệu đồng mỗi tháng”.

Tin cùng chuyên mục