Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Chuyện tiết kiệm và cách kiểm tra của Bác Hồ

Chuyện tiết kiệm và cách kiểm tra của Bác Hồ
Chuyện tiết kiệm và cách kiểm tra của Bác Hồ ảnh 1

Trong nhiều lần gặp Bác, điều đọng lại trong suốt cả cuộc đời của Đại tá Lê Hãn (ảnh) (con trai trưởng của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn) là chuyện tiết kiệm và cách đi kiểm tra đời sống cán bộ của Bác. Nay đã 80 tuổi đời, 60 tuổi Đảng, ông luôn xem đó là phương châm sống của mình.

1. Trong một lần gia đình tôi đang ăn cơm trưa, bất thình lình Bác đến mà không hề báo trước, dù hôm đó là chủ nhật. Sau khi đáp lại lời chào của chúng tôi, Bác liếc thật nhanh qua mâm cơm. Hôm đó, trên bàn ăn nhà tôi có đĩa cá kho, cà sống, chuối sống, rau muống, canh và mắm cá cơm (mắm cái). Tôi cứ suy nghĩ mãi, cách đi tìm hiểu đời sống cán bộ của Bác thật sâu sắc và nhiều ý nghĩa.

Thứ nhất, Bác muốn kiểm tra đời sống của cán bộ như thế nào? Bởi vì thời đó chất lượng cuộc sống thể hiện qua mâm cơm của từng gia đình. Thứ hai, theo tôi là quan trọng hơn, Bác muốn tận mắt xem bữa ăn của một gia đình cán bộ có “bề thế” hơn người dân không? Trong lúc đất nước đang khó khăn, tất cả tài lực vật lực đều dành cho miền Nam, cho tiền tuyến. Tôi để ý thấy gương mặt Bác rất vui, vì đã tận mắt nhìn thấy bữa cơm đạm bạc của một gia đình cán bộ cao cấp. Nó phù hợp với hoàn cảnh đất nước ngày ấy, không có biểu hiện của sự xa hoa lãng phí. Cách đi cơ sở và phương pháp kiểm tra của Bác thật tế nhị, không ồn ào, không báo trước. Dù không hề nhận xét, nhưng nhìn nét mặt tôi cảm giác Bác đã hài lòng. Trong khi ngày nay không ít cán bộ chưa đi, thì cơ sở đã chuẩn bị đón tiếp, vậy liệu những gì nhìn thấy thực tế đó có đúng thực chất mà mình cần kiểm tra không?

2. Câu chuyện tiết kiệm từ những việc rất nhỏ của Bác đã để lại nhiều ấn tượng trong tôi đến suốt đời. Mỗi bữa ăn của Bác chỉ hai đến 3 món, sau bữa ăn không có món nào thừa. Đặc biệt, đối với nước mắm cũng vậy, không bao giờ còn thừa sau bữa cơm. Bởi vì ăn tới đâu Bác lấy nước mắm tới đó, lấy từ chén lớn sang qua chén nhỏ. Không chỉ thế, bánh xà phòng tắm, Bác cũng không để nó bị ngấm nước. Lúc đầu các anh em phục vụ để xà phòng vào hộp, nhưng hộp không có lỗ thoát phía dưới nên bị đọng nước, làm xà phòng bị mềm, không sử dụng được lâu. Bác không nói gì chỉ lấy 3 viên sỏi bỏ vào hộp kê bánh xà phòng cho khỏi ướt. Ngẫm những chuyện nhỏ ngày xưa của Bác nhưng bây giờ thấy ý nghĩa của nó không hề nhỏ. Bác thực hiện tiết kiệm từ những việc mà ít ai nghĩ tới. Câu chuyện tiết kiệm của Bác hiện nay vẫn còn thời sự, khi mà không ít những bữa tiệc chiêu đãi hiện nay còn thừa mứa rất nhiều thức ăn sau khi thực khách ra về. Tôi cho rằng, kinh tế đất nước mình dù phát triển nhanh như thế nào đi nữa nhưng không biết tiết kiệm, cố tình gây thất thoát lãng phí thì những con số tăng trưởng sẽ kém phần ý nghĩa.

3. Bây giờ tôi đã 80 tuổi đời, 60 tuổi Đảng nhưng chuyện tiết kiệm và kiểm tra lối sống cán bộ rất tế nhị của Bác vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi. Nếu mỗi cán bộ của chúng ta ngày nay, trong đợt học tập và làm theo gương Bác, chỉ cần học tính tiết kiệm của Bác, sống với những gì do công sức mình làm ra, đặc biệt không xa hoa lãng phí, mọi tính toán đều đặt quyền lợi của đất nước dân tộc lên trên quyền lợi cá nhân, thì lo gì đất nước không thoát nghèo. Và có lẽ cái đáng lo nhất hiện nay, là tình trạng thất thoát của công, lãng phí tài sản nhân dân. Vì sao dự án nào, công trình nào, lớn hay nhỏ cũng đều thất thoát lãng phí. Nếu cứ nghĩ do cơ chế chính sách, hành lang pháp lý chưa rõ ràng thì thật là chưa đủ. Bởi vì cơ chế chính sách do mình làm ra, vấn đề là cái tâm của người cán bộ. Mỗi người cán bộ nếu biết đau với cái đau của dân, biết khổ với cái khổ của dân thì không cần cơ chế mà tự khắc anh sẽ tự điều chỉnh mình. Một vị cha già dân tộc, người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiết kiệm từng giọt nước mắm, từng bánh xà phòng thì không cớ gì bây giờ cán bộ lại cứ xa hoa lãng phí, “biến” của công thành tài sản riêng.

Hiếu Lê ghi

Tin cùng chuyên mục