Quốc hội thảo luận về kinh tế – xã hội: Cần tính kế lâu dài

Phó Thủ tướng Thường trực NGUYỄN SINH HÙNG: Vinashin sẽ có diện mạo mới
Quốc hội thảo luận về kinh tế – xã hội: Cần tính kế lâu dài

°Phó Thủ tướng Thường trực NGUYỄN SINH HÙNG: Vinashin sẽ có diện mạo mới

Hôm qua 22-10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội. Bên cạnh việc đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, các ĐBQH cũng đi sâu phân tích những hạn chế, yếu kém còn tồn tại để có giải pháp phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

  • Làm sao để không phải “ứng phó tốt”

Theo các ĐBQH, mặc dù năm 2010 còn nhiều khó khăn, song với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, với sự nhanh nhạy trong chỉ đạo, điều hành và quyết liệt trong tổ chức thực hiện, chúng ta đã đạt được kết quả khá toàn diện. Tăng trưởng kinh tế cả năm khả năng đạt 6,7%, cao hơn kế hoạch (6,5%) và cao hơn khá nhiều mức tăng 5,32% năm 2009.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng: Điều quan trọng nhất trong năm 2010 là mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng hợp lý đã đạt được.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trả lời báo chí ngày 22-10.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trả lời báo chí ngày 22-10.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ĐBQH cho rằng, kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn bộc lộ không ít những hạn chế, bất cập. Những vấn đề trong ngắn hạn đã được giải quyết tốt nhưng theo ĐB Trần Du Lịch, nhiều vấn đề cần được xem xét để “tính kế lâu dài”. Thứ nhất là sức cạnh tranh của nền kinh tế ngày càng đuối do năng suất và chất lượng tăng trưởng thấp. Thứ hai nhập siêu vẫn là căn bệnh trầm kha. Thứ ba đầu tư công với cách làm hiện nay đang phá vỡ 2 nguyên tắc căn bản là chi phí cơ hội và đầu tư đồng bộ. Bên cạnh đó, nước ta đang đối mặt với “bẫy tự do hóa thương mại” và những bất ổn trong cơ chế phân cấp quản lý vốn FDI.

“Đây là vấn đề cần có biện pháp giải quyết một cách căn cơ từ năm 2011 đến năm 2015. Việt Nam được khen rất giỏi ứng phó với những vấn đề ngắn hạn, chẳng hạn như vượt qua ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng điều quan trọng là làm sao để chúng ta không phải ứng phó nữa” – ĐB Trần Du Lịch nói.

Cũng liên quan đến ổn định vĩ mô, ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) băn khoăn: 25 năm qua, kinh tế Việt Nam định hướng xuất khẩu mà tình trạng nhập siêu vẫn cao như vậy là không thể chấp nhận được. Điều này cho thấy sự yếu kém trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ. Đề nghị không nên nói “công nghiệp hóa” chung chung, mà sắp tới cần làm rõ phát triển công nghiệp nào?

  • Từ Vinashin, lo EVN

Vấn đề quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà điển hình là vụ việc Vinashin tiếp tục là “điểm nóng” trong buổi thảo luận hôm qua. Tuy kỳ này Chính phủ đã có báo cáo về toàn bộ tình hình của Vinashin, nhưng nhiều vấn đề chưa được làm rõ khiến ĐB tiếp tục lo lắng. “Giải quyết khối nợ khổng lồ ra sao? Tại sao 11 cuộc thanh tra, kiểm toán mà không phát hiện ra được sai phạm của Vinashin? Tại sao Vinashin bị lỗ, báo cáo lãi trong suốt thời gian dài mà không ai biết? Chính phủ nói nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin gia trưởng, độc đoán, vậy ai bổ nhiệm ông ta?” - ĐB Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam) nêu hàng loạt câu hỏi.

Một điều quan trọng liên quan đến tương lai tập đoàn này được nhiều ĐB băn khoăn là Vinashin hiện nay thuộc ai, Chính phủ hay Bộ GTVT? Những ai có trách nhiệm chính cần dũng cảm từ chức.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình cũng bày tỏ băn khoăn: “Nợ của Vinashin được công bố là 86.000 tỷ đồng, nhưng tôi được biết, sau khi Ủy ban Kiểm tra TƯ công bố kết quả kiểm tra thì các ngân hàng cho tập đoàn vay đã gửi phiếu đòi tập hợp lại khoảng 120.000 tỷ đồng. Tôi muốn hỏi Chính phủ con số đó chính xác không?”.

Từ thực tế của Vinashin, nhiều ĐB liên tưởng đến “số phận” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nhiều ý kiến cho rằng, việc cắt điện liên miên, ngay cả trong mùa mưa cũng thiếu điện là thực tế không thể chấp nhận được. Vấn đề điện luôn là bức xúc hàng đầu của cử tri cả nước. Các ĐB đề nghị phải sớm cơ cấu lại EVN, không để xảy ra tình trạng như Vinashin, cũng như phải xóa bỏ cơ chế độc quyền về điện để cải thiện thị trường điện hiện nay.

  • Đầu tư thỏa đáng cho nông dân

ĐB H’Luộc Ntơr (Đắc Lắc) và nhiều ĐB khác đề nghị đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. ĐB Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) cho rằng, nông nghiệp tăng trưởng thấp vì được đầu tư quá ít. Trong khi năm 2009 nông nghiệp đóng góp gần 21% GDP nhưng chỉ được đầu tư lại có 6,45% GDP và xu hướng là ngày càng giảm.

Một số ý kiến cũng tiếp tục yêu cầu Chính phủ làm rõ vấn đề cho nước ngoài thuê đất trồng rừng, thu hồi diện tích đã cho thuê nhưng vẫn để hoang, làm ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, gây mất ổn định chính trị và khiến người nông dân mất đất sản xuất ngay trên lãnh thổ của mình.

“Người dân kêu nhiều lắm, Nhà nước cho nước ngoài thuê đất trồng rừng, rồi chính họ cho thuê lại và để đó. Người dân ngay đến chỗ thả trâu cũng không có vì đất rừng đã bị cho thuê” - ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) bức xúc.

Ở khía cạnh khác, ĐB Lê Văn Hưng (Hưng Yên) chỉ ra thực trạng nhức nhối: Doanh nghiệp, người dân luôn phải “bôi trơn” hầu hết các cửa thì công việc mới trôi chảy. Ông nhấn mạnh: “ĐBQH mà còn phải nhờ vả, nói gì đến người dân. Cần phải cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa”.

Các đại biểu Quốc hội đang thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội.

Các đại biểu Quốc hội đang thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội.

Việc liên tiếp trong vài năm gần đây, các chỉ tiêu về môi trường không hoàn thành đang trở thành nỗi lo ngại lớn, thể hiện việc tăng trưởng kinh tế bất chấp nạn ô nhiễm môi trường. Nhiều ý kiến nói nếu đề ra chỉ tiêu mà không thực hiện được thì không nên có, vì sẽ rất khó cho điều hành.

Giải thích về điều này, Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên nói, tham vọng lớn nhưng lại không có vốn để làm triệt để: “Ví như nước sạch chỉ làm được đường ống chính, dân lại không có tiền lắp ống về đến nhà. Về xử lý rác thải y tế, công nghệ, chúng ta không làm được mà phải nhập khẩu, phải đi xin ODA. Nguyên nhân là chưa cân đối rõ nguồn tiền, ngân sách hiện nay mới chi 1% thì không đáp ứng được”.

Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, vấn đề giải quyết môi trường hiện nay cần phải tập trung vào công nghệ, trong khi đó, ngân sách chỉ chi 1% cho môi trường, quá ít, chỉ đủ để làm công tác đào tạo.

Chiều qua 22-10, các ĐBQH thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2010; tại phiên thảo luận chiều qua, nhiều ý kiến đề nghị phải bổ sung ngân sách nhà nước cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh. “Chúng ta phải có đủ kinh phí mới bảo vệ được ngư dân đánh bắt xa bờ, bảo vệ được chủ quyền đất nước” - ĐB Huỳnh Thành Lập (TPHCM) đề nghị. Đây cũng là ý kiến của ĐB Nguyễn Thanh Tân (Hà Tĩnh) khi cho rằng, hiện nay kinh phí cho quốc phòng, an ninh vẫn rất thấp, không đủ bảo đảm để xử lý các vấn đề xảy ra.

Các đại biểu đồng ý với dự kiến, năm 2011 phát hành 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để tập trung xây dựng các công trình dân sinh, tuy nhiên đề nghị phải giải ngân dứt điểm, tránh kéo dài.

ĐB Huỳnh Thành Lập đề nghị, năm 2011 Chính phủ triệt để thực hành tiết kiệm trong sản xuất, tiêu dùng, nhất là chi phí lễ hội.

Riêng TPHCM, theo ĐB Huỳnh Thành Lập, sẽ cố gắng bảo đảm nhiệm vụ thu ngân sách Quốc hội giao, nhưng đề nghị cho TP để lại số vượt thu nhằm đầu tư cho cơ sở hạ tầng của TP hiện nay đã rất quá tải

Nhóm PV

Phó Thủ tướng Thường trực NGUYỄN SINH HÙNG: Vinashin sẽ có diện mạo mới

Vấn đề đầu tiên của quá trình tái cơ cấu Vinashin là đàm phán nợ để nợ chậm lại, có thể giảm đi. Về xử lý cơ cấu thì đẩy ra những chỗ làm ăn không hiệu quả, thu lại tiền, từng bước đẩy mạnh sản xuất. Kết quả bước đầu đạt được là lao động đã yên tâm về tư tưởng. Bên cạnh thay lãnh đạo cấp cao, sắp tới sẽ thay lãnh đạo cấp dưới, tạo ra cách làm ăn, cách quản trị mới. Bây giờ, các đơn hàng của Vinashin đã không còn bị hủy, nhiều dự án đã trở lại hoạt động, có những dự án trước đây “đắp chiếu” giờ đã hoạt động trở lại, như tiếp tục đóng tàu. Thời gian qua, Vinashin đã giao được một số con tàu cho khách hàng, đóng được nhiều thiết bị phụ trợ… Bước một đã cơ cấu chuyển giao tàu cho Vinalines, bắt đầu hoàn thiện, đưa vào sản xuất, vận tải. Có nghĩa những ngành chính bắt đầu hoạt động, công nhân có việc làm. Sắp tới sẽ làm tiếp bước hai, chậm nhất là đến đầu tháng 11-2010 sẽ ra được một Vinashin với diện mạo mới.

Vinashin mới phải tạo ra lực để đóng những con tàu lớn, sửa chữa tàu lớn, có thể tham gia vào công nghiệp tàu thủy của quốc phòng, ngoài ra ngành nghề phụ trợ, đi theo đó là hệ thống đào tạo đội ngũ, để rồi mục tiêu cuối cùng là tạo ra một ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam.

Còn cách trả nợ: Một là tập đoàn phải làm ăn để trả, đóng được tàu, bán được tàu, có tiền trả nợ. Hai là phải cơ cấu lại, bán bớt, nhượng bớt cổ phần lấy tiền mà trả. Ba là sau khi thực hiện cơ cấu lại nợ, có thể thực hiện những biện pháp tài chính chuyển nợ cũ thành nợ mới, nợ mới có thể dài hơn, dài hơn thì sẽ đủ sức trả. Làm được như vậy có thể sẽ có những thiệt hại, nhưng hạn chế tối đa. Phương châm đặt ra, cái gì có hiệu quả, làm lợi được thì làm, cái gì bị thua lỗ thì mình phải chịu, có những doanh nghiệp con có thể cho phá sản, rồi bán. Chúng ta không thể bỏ công nghiệp đóng tàu được vì Việt Nam có bờ biển dài, mà kinh tế biển đứng đầu là hàng hải, chứ đâu phải khai thác tài nguyên.

B. MINH ghi

Tin cùng chuyên mục