Góp ý sửa đổi Hiến pháp

Đề cao trách nhiệm Nhà nước trong thực hiện chính sách về dân tộc

Hôm qua 21-2, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội họp phiên toàn thể góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ông Lù Văn Que, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân tộc (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN), đề xuất “mở rộng cách thức dân chủ trực tiếp”.

(SGGP).– Hôm qua 21-2, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội họp phiên toàn thể góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ông Lù Văn Que, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân tộc (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN), đề xuất “mở rộng cách thức dân chủ trực tiếp”.

Hiện nay dân chủ trực tiếp mới chỉ thể hiện qua hình thức bầu đại biểu dân cử, như vậy vẫn còn hạn chế. Chỉ việc gì dân không trực tiếp được mới thông qua gián tiếp. Ngoài việc nhân dân thể hiện quyền làm chủ thông qua Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và các cơ quan khác của nhà nước, cần bổ sung “thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, vì Mặt trận còn là nơi để nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình - vừa là dân chủ trực tiếp, vừa là dân chủ gián tiếp.

Trong khi đó, ông Tráng A Pao, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp phải khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; khẳng định tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, đồng thời phải đảm bảo tính kế thừa các Hiến pháp trước đây và dựa trên cơ sở tổng kết 21 năm thi hành Hiến pháp năm 1992.

Cùng góp ý về Điều 4 dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Sơn Nhin nhất trí với quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội; song đề nghị bổ sung cụm từ “duy nhất” vào cuối khoản 1. Cụ thể như sau: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Thào Xuân Sùng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, đề nghị bổ sung khoản 2, Điều 8 để quán triệt sâu sắc phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Cụ thể, theo đại biểu, nội dung mới được bổ sung của khoản 2, Điều 8 sẽ là: “Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm chống lãng phí”.

Các đại biểu tham dự phiên họp cũng đã tập trung đóng góp ý kiến về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc trong bản Dự thảo; bao gồm các điều quy định về quyền xác định dân tộc, quyền bảo tồn phát huy và phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, quyền quyết định chính sách dân tộc của Quốc hội và những quy định bổ sung, sửa đổi về chức năng quyền hạn của Hội đồng Dân tộc.

Đơn cử, theo một số đại biểu, Điều 45, Dự thảo (“Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”) cần sửa là “Mọi người có quyền xác định dân tộc của mình theo tiêu chí dân tộc”. Về những quy định sửa đổi bổ sung chức năng, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, một số ý kiến cho rằng cần phải khẳng định Hội đồng Dân tộc là cơ quan của Quốc hội, đại diện cho tất cả các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, phải đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện các chính sách về dân tộc và tạo điều kiện để các dân tộc cùng phát triển...

Ông Tráng A Pao đề nghị giữ nguyên quy định như Hiến pháp hiện hành về Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội; đồng nghĩa với việc để Quốc hội bầu trực tiếp các chức danh Phó Chủ tịch của Hội đồng Dân tộc và Phó Chủ nhiệm của các ủy ban cùng các ủy viên của hội đồng và các ủy ban.

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục