Báo chí phải tạo sự đồng thuận xã hội

Đề cao trách nhiệm người làm báo
Báo chí phải tạo sự đồng thuận xã hội

Hôm qua 19-3, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT và Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2013.

Nhiều nhà báo trong nước và quốc tế tác nghiệp tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM. Ảnh: Tr.Ng.

Nhiều nhà báo trong nước và quốc tế tác nghiệp tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM. Ảnh: Tr.Ng.

Đề cao trách nhiệm người làm báo

Đánh giá hoạt động báo chí năm 2012 và 3 tháng đầu năm 2013, Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn cho biết, năm 2012, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn... đã phần nào tác động nhiều chiều đến hoạt động báo chí.

Tuy nhiên báo chí đã tích cực, chủ động bám sát tình hình, nhiệm vụ của đất nước, của ngành, địa phương, đơn vị, tập trung tuyên truyền, cổ vũ các nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tái cấu trúc nền kinh tế. Báo chí cũng đã tiếp tục phát huy vai trò tích cực góp phần vào việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội. Tích cực đấu tranh phản bác thông tin và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tăng cường triển khai công tác thông tin, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Tính đến tháng 2-2013, cả nước có 812 cơ quan báo in với 1.084 ấn phẩm; 74 báo, tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử tổng hợp; 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương. Hiện nay có gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề và hơn 19.000 hội viên hội nhà báo sinh hoạt ở các cấp.

Hội nghị cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót đáng quan tâm. Công tác dự báo, phân tích, xử lý, chỉ đạo, định hướng, phối hợp, cung cấp thông tin cho báo chí, trong một số trường hợp, chưa được thực hiện tốt, thiếu nhạy bén và chủ động, trong đó có những vấn đề về an ninh, quốc phòng, đối ngoại, tài chính, ngân hàng... Việc khắc phục xu hướng “thương mại hóa”, xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin thiếu chuẩn xác ở một số cơ quan báo chí vẫn chưa đạt được kết quả thật sự rõ nét…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, cho rằng, năm 2013, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với các cơ quan chỉ đạo, quản lý và cơ quan chủ quản, cấp ủy, tổ chức Đảng, ban biên tập, tổng biên tập, giám đốc, tổng giám đốc của cơ quan báo chí và mỗi phóng viên cần đề cao trách nhiệm triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình.

Các cơ quan báo chí coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng. Đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị cần coi trọng, chăm lo công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí; đề cao trách nhiệm của người làm báo, đặc biệt là các đảng viên; chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, lối sống cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên.

Phải làm tốt công tác dự báo, phân tích, xử lý thông tin

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đã đề nghị trong năm 2013 cần tạo chuyển biến thật sự, rõ nét trong việc khắc phục tình trạng “thương mại hóa”, thoát ly tôn chỉ, mục đích, vốn đã kéo dài quá lâu; có giải pháp cụ thể đối với tình trạng số lượng các kênh truyền hình vượt quá mức cần thiết... Cơ quan chỉ đạo, quản lý và các cơ quan chủ quản cần có chương trình rà soát, đánh giá việc thực hiện tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí; chỉ rõ ưu điểm, thành tích, hạn chế, thiếu sót; phân tích sâu sắc nguyên nhân; nêu rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp, có thái độ kiên quyết, kịp thời trong xử lý vi phạm, đồng thời, khen thưởng, biểu dương các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc, có nhiều ưu điểm, thành tích.

Đồng chí Đinh Thế Huynh cho rằng, để giữ vững vị thế, vai trò định hướng dư luận xã hội, những người làm công tác báo chí phải phát huy hơn nữa tính chủ động, tính thuyết phục trong chỉ đạo, định hướng, quản lý và trong thông tin, tuyên truyền trên cơ sở nắm vững, vận dụng linh hoạt, sáng tạo quan điểm, phương châm, định hướng chính trị, quy định, nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động báo chí. Phải làm tốt hơn công tác dự báo, phân tích, xử lý thông tin; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan báo chí với các cấp, các ngành, giữa các cơ quan báo chí; chủ động định hướng, tạo điều kiện để báo chí tiếp cận, chiếm lĩnh thông tin, nhất là những thông tin quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, được dư luận xã hội quan tâm; khắc phục tình trạng né tránh không thông tin để giữ và tạo thế chủ động, trên cơ sở đó, thực hiện tốt chức năng định hướng dư luận; hạn chế, đẩy lùi, vô hiệu hóa, phản bác những thông tin sai trái, những luận điệu thù địch.

Thông tin trên báo chí về mọi mặt của đời sống xã hội phải bảo đảm tính toàn diện, chân thực, với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân cao. Đây vừa là yêu cầu, vừa là thách thức đối với từng nhà báo và cơ quan báo chí. Yêu cầu rất khó nhưng chỉ như thế chúng ta mới có thể góp phần tạo ra sự phấn khởi, tin tưởng, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân đưa đất nước phát triển.

Tại hội nghị, Báo Sài Gòn Giải Phóng và 18 cơ quan báo chí đã được Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin tuyên truyền các sự kiện, nhiệm vụ chính trị, kinh tế và tổ chức tốt các hoạt động xã hội thiết thực, giàu ý nghĩa trong năm 2012.

Trần Lưu

Tin cùng chuyên mục