Tham nhũng quyền lực - Nguy hiểm hơn tham nhũng vật chất

Tham nhũng quyền lực - Nguy hiểm hơn tham nhũng vật chất

Nhân hội thảo “Bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay” vừa được tổ chức tại TPHCM, PGS-TS Vũ Văn Phúc (ảnh), Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi về đấu tranh với nạn tham nhũng. Đồng chí Vũ Văn Phúc nói:

Kể từ khi giành được chính quyền, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đối với nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí để Đảng ta luôn xứng đáng là người lãnh đạo, là “đứa con nòi” của dân tộc; cán bộ, đảng viên luôn là người đày tớ trung thành, tận tụy phụng sự nhân dân; Nhà nước ta luôn xứng đáng là Nhà nước của dân, do dân và vì dân; mỗi cán bộ, công chức luôn xứng đáng là công bộc của dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đặc biệt, trong hơn 26 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Thế nhưng, điều mà mỗi chúng ta luôn nhức nhối, đau lòng trước nạn tham nhũng đang lan rộng tới mức không thể chấp nhận được.

* PV:
Tính nghiêm trọng của nạn tham nhũng hiện nay ở mức độ nào, thưa đồng chí?

* PGS-TS VŨ VĂN PHÚC: Tham nhũng hiện nay ở lĩnh vực nào cũng có, từ đầu tư xây dựng cơ bản, thu chi, quản lý ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, doanh nghiệp (DN) nhà nước, đến giáo dục, y tế, hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật và thậm chí cả trong lĩnh vực thực hiện chính sách xã hội, trợ giúp người nghèo, vùng nghèo, vùng bị thiên tai, bão lụt… Tham nhũng không chỉ làm tha hóa đạo đức, lối sống, làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, giảm sút lòng tin của nhân dân, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá chế độ mà còn là nguy cơ lớn đe dọa sự ổn định chính trị, xã hội và sự sống còn của chế độ.

* Thế nhưng, việc nhận diện tham nhũng hiện nay rất khó, nhất là đối với những hành vi phức tạp, tinh vi?

* Đã xảy ra chuyện các quan chức nhà nước, quan chức Chính phủ và thậm chí cả quan chức của Đảng gắn kết với các DN. Khi các quan chức (có chức có quyền) gắn kết với DN thì hình thành các nhóm lợi ích, hay ta vẫn nói “lợi ích nhóm”. Nhóm lợi ích chi phối không phải tài sản mà là cơ chế, chính sách; tức khi các quan chức có quan hệ với DN thì các DN này bằng hình thức hối lộ, đút lót, quà biếu, hoặc bằng thủ đoạn này, thủ đoạn khác để lái quan chức phải xây dựng cơ chế, chính sách theo lợi ích của DN.

Tham nhũng quyền lực này nặng nề hơn rất nhiều tham nhũng vật chất. Tham nhũng vật chất có thể “ăn” một vài trăm mét vuông đất, thậm chí cả hécta đất, vài tỷ hoặc hàng chục tỷ đồng. Còn tham nhũng về cơ chế, chính sách gây nguy hại cho cả nền kinh tế, cho cả dân tộc. Tôi lấy ví dụ như một DN quan hệ với một quan chức nào đó mà quan chức đó lại có thẩm quyền quyết định về một cơ chế, một chính sách nào đó và nếu DN bằng cách nào đó họ điều hành quan chức đó làm sai lệch cơ chế, chính sách theo hướng có lợi cho DN. DN ấy có lợi thì các DN khác không có lợi, dẫn đến hậu quả có thể phá hoại nền kinh tế. Điều này có nghĩa người ta hoạt động không phải lợi ích chung của đất nước, lợi ích của cách mạng mà là lợi ích nhóm, nhóm lợi ích.

* Theo đồng chí, giải pháp phòng, chống tham nhũng hiện nay là gì?

* Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và Kết luận 21 Hội nghị Trung ương 5 mới đây đã đề cập nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng hiện nay. Theo tôi, muốn phòng, chống tham nhũng tốt phải giáo dục đạo đức cách mạng ngay từ các em học sinh và đặc biệt là đối với cán bộ, công chức, viên chức của Nhà nước, của Đảng, làm thế nào để mỗi người tự ý thức được sự xấu hổ của mình nếu như mình có hành vi tham nhũng; hoặc chí ít xấu hổ ngay khi mình có ý nghĩ rằng mình sẽ tham nhũng.

Chúng tôi cho rằng, vai trò đạo đức trong xã hội hiện nay là rất quan trọng, đặc biệt là văn hóa Đảng, đạo đức trong đảng cầm quyền. Nếu trong đảng cầm quyền mà không nâng cao đạo đức cách mạng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, không giáo dục đạo đức cách mạng cho toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức mà họ bị tha hóa, họ bị phai nhạt phẩm chất đạo đức của người cộng sản thì sẽ dẫn đến tham nhũng.

* Xin cảm ơn đồng chí! 

"Chúng ta thường nói, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng trên thực tế có sự phân biệt đối xử. Ví dụ như những công chức bình thường, tham nhũng nhỏ thì bị xử lý rất nghiêm. Nhưng những quan chức lớn, tham nhũng lớn thì xử nhẹ. Nhẹ đến mức nhiều khi biến những vụ án tham nhũng lớn chỉ xử lý hành chính. Nhiều khi chúng ta lấy cái không trong sạch này để xử cái không trong sạch kia. Vì vậy, chúng tôi cho rằng phải có một quyết tâm chính trị và hành động chính trị mới có thể ngăn chặn và đẩy lùi được tham nhũng"

Đồng chí Vũ Văn Phúc

HOÀI NAM (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục