Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, xử lý nợ xấu

Giảm thuế, lãi suất

Trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp chiều qua 12-6, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã báo cáo với Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội (về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII).

Giảm thuế, lãi suất

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, sức mua của thị trường còn yếu, một số mặt hàng tồn kho vẫn tăng. Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện việc giãn, hoãn thuế theo thẩm quyền và trình Quốc hội về miễn, giảm thuế; tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất (so với tháng 12-2012 giảm khoảng 3% - 4%/năm), ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho một số ngành quan trọng. Trong đó, thực hiện quy định về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng dầu thực vật nhập khẩu với mức thuế là 5% kể từ ngày 7-5-2013 (trước đó là 0%) và sẽ có quyết định chính thức trong tháng 6 - 2013. Đối với lĩnh vực khai khoáng, Chính phủ đã cho phép xuất khẩu một số loại khoáng sản có tồn kho cao và điều chỉnh thuế suất lên mức tối đa là 40%. Việc xuất khẩu được quản lý chặt chẽ trên cơ sở kiểm tra, xác định khối lượng tồn kho thực tế trên địa bàn cả nước.

Đáng lưu ý, bên cạnh những hoạt động đã triển khai, Phó Thủ tướng cho biết, sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu. Về quy hoạch tổng thể các dự án thủy điện, đã rà soát đánh giá, loại bỏ 338 dự án; giãn đầu tư sang sau năm 2015 là 117 dự án, tiếp tục rà soát, đánh giá, hiệu chỉnh quy hoạch 67 dự án. Chính phủ sẽ báo cáo chi tiết vấn đề này tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Khắc phục tình trạng đất bỏ hoang

Trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, Chính phủ đang nghiên cứu chính sách khuyến khích phát triển nhà ở cho thuê, thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở, phát triển các quỹ đầu tư bất động sản để tạo nguồn vốn phát triển nhà ở; thực hiện thí điểm chuyển đổi dự án nhà ở để bán sang nhà ở cho thuê. Chính phủ cũng đã yêu cầu, chỉ đạo các địa phương có nhiều dự án bất động sản, nhất là Hà Nội và TPHCM tiếp tục rà soát, phân loại để có giải pháp xử lý phù hợp với nhu cầu của xã hội, khắc phục tình trạng đất bỏ hoang.

Ngoài  giải quyết nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho sinh viên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, phấn đấu cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho khoảng 71.000 hộ gia đình trong năm 2013 . Đồng thời, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người nghèo tại khu vực nông thôn. Triển khai hỗ trợ nhà ở tránh lũ cho khoảng 60.000 hộ nghèo ở 14 tỉnh khu vực miền Trung.

Để tạo cơ sở cho việc quyết định đầu tư và thanh quyết toán công trình được kịp thời, công khai, minh bạch, Chính phủ đã tổ chức xây dựng và công bố hơn 10.000 định mức xây dựng và nhiều định mức đặc thù; rà soát và công bố khoảng 300 định mức dự toán và tiếp tục rà soát các định mức còn lại. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quản lý về xây dựng, chi phí đầu tư và hợp đồng xây dựng; kiểm tra việc công bố chỉ số giá xây dựng của các địa phương.

Tín hiệu đáng mừng

Kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô gắn với tái cơ cấu nền kinh tế theo lộ trình - đó là thông điệp được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tái khẳng định trước Quốc hội. Tín hiệu đáng mừng là so với cuối năm 2012, mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 3% - 4%/năm. Dư nợ tín dụng đã tăng trở lại qua các tháng, tính đến ngày 31-5-2013, dư nợ tín dụng tăng 2,98% so với cuối năm 2012, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2012 (0,56%).

Thực hiện một nhiệm vụ quan trọng khác là cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015, đến nay, cơ bản đã kiểm soát được tình hình của 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Khả năng chi trả của các ngân hàng này được cải thiện đáng kể; quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm; nguy cơ mất an toàn giảm. Đã hoàn thành cơ bản việc cổ phần hóa lần đầu và thực hiện lộ trình cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước (trừ Agribank); tăng vốn điều lệ, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và đang triển khai cơ cấu lại một số ngân hàng liên doanh. Về xử lý nợ xấu, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 4 năm 2013 tỷ lệ nợ xấu là 4,67%. Theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm cuối năm 2012, tỷ lệ nợ xấu là 7,8%.

Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, Chính phủ xác định tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định về đổi mới cơ chế tài chính của các cơ sở y tế công lập; xây dựng và thực hiện đề án bác sĩ gia đình, đề án bệnh viện vệ tinh, đề án thí điểm đưa bác sĩ trẻ về công tác tại miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thực hiện công khai giá dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh gắn với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế... Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng tiêu chí kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ y tế.

Phó Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận, một số việc triển khai còn chậm, cần tiếp tục tập trung giải quyết trong thời gian tới là hỗ trợ các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; hỗ trợ di dân tái định cư; phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội; xử lý nợ xấu; quá tải bệnh viện...

ANH THƯ


Đã trả lời, nhưng cần sớm giải quyết

Chiều 12-6, ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII.

Vẫn còn tồn đọng

Theo báo cáo, tại kỳ họp thứ 4, UBTVQH đã chỉ đạo tiếp nhận, phân loại và gửi gần 1.500 kiến nghị của cử tri cả nước đến cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết, trả lời cử tri. Toàn bộ các kiến nghị đã được trả lời, mặc dù vẫn còn một số lượng lớn trong diện “đang và sẽ giải quyết”. So với các kỳ họp QH trước đây, trong và sau kỳ họp thứ 4, hầu hết các bộ, ngành đều đã tích cực quan tâm, nghiên cứu, tiếp thu, kịp thời có văn bản trả lời cử tri, giúp cho các đại biểu QH có thông tin tương đối đầy đủ để báo cáo với cử tri như các bộ: GTVT, Tài chính, GD-ĐT. Một số bộ, cơ quan ngang bộ có nhiều kiến nghị nhưng đã tích cực nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và trả lời cử tri, như: Bộ Nội vụ, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch - Đầu tư... Nội dung văn bản giải quyết, trả lời cử tri chất lượng được nâng lên, trả lời đúng trọng tâm những vấn đề mà cử tri kiến nghị.

Tuy nhiên, đối với một số kiến nghị được nêu trong báo cáo của UBTVQH tại các kỳ họp trước về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri như sửa đổi Nghị định số 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Nghị định về miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến 2014 - 2015; các kiến nghị liên quan đến sử dụng đất nông lâm, trường… còn chậm được nghiên cứu, giải quyết.

UBTVQH yêu cầu các cơ quan có liên quan chủ động rà soát, giải quyết các kiến nghị cử tri đã trả lời là “đang và sẽ giải quyết”; tiếp tục tổ chức thực hiện các kiến nghị đã nêu trong Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp trước.

Hỗ trợ người dân tái định cư

Đặc biệt, về việc giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để xây dựng công trình thủy điện – một vấn đề đã được cử tri kiến nghị nhiều lần, báo cáo giám sát cho biết, hiện nay, cả nước có trên 1.000 dự án thủy điện được quy hoạch xây dựng ở 36/63 tỉnh, thành phố. Chỉ tính riêng 23 dự án thủy điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư thì diện tích đất thu hồi đã là 85.715,1ha với 188.520 khẩu/38.554 hộ dân phải di dời tái định cư.

Nhận định rằng việc di dân tái định cư là công việc phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, cần phải thực hiện các chương trình, dự án để đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân phải di dời, báo cáo nhận định, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu này. Qua giám sát, đề nghị ban hành cơ chế đặc thù giải quyết khó khăn cho người dân tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng công trình thủy điện; nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền quy định sử dụng một phần lợi nhuận thu được từ các công trình thủy điện (thuế tài nguyên nước, thuế VAT) để đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống cho người dân tái định cư các công trình thủy điện; ưu tiên hỗ trợ giải quyết việc làm cho người dân tái định cư khi Nhà nước đầu tư các nguồn vốn về bảo vệ, phát triển rừng, các dịch vụ môi trường rừng và các nguồn đầu tư khác liên quan đến công trình thủy điện...

Đồng thời, rà soát tổng thể các dự án tái định cư để xây dựng các công trình thủy điện thực hiện trước đây để có những giải pháp nhằm giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân; ban hành cơ chế đặc thù “hậu tái định cư” đối với những công trình thủy điện đã xây dựng trước đây như Hòa Bình, Thác Bà, Ialy, Bản Vẽ. Tập trung vào hạ tầng tái định cư (điện, đường, trường, trạm), nhà ở, đất ở, đất sản xuất, cho vay tín dụng ưu đãi, công ăn việc làm, điều kiện sinh hoạt văn hóa của người dân tái định cư...

ANH PHƯƠNG


Chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát
Giải pháp của bộ trưởng “hiền” quá!

Hôm qua 12-6, Quốc hội bắt đầu chương trình chất vấn. Người đăng đàn đầu tiên là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát. Tình hình sản xuất nông nghiệp đi xuống, đời sống người nông dân gặp nhiều khó khăn... là những vấn đề mà đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chờ câu trả lời từ người đứng đầu ngành nông nghiệp.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Cho rằng người nông dân hiện đang bị “lỗ kép” do doanh thu giảm trong khi nhiều chi phí tăng lên, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết những giải pháp mang tính đột phá để ngành nông nghiệp có thể phát triển bền vững, nông dân thoát nghèo: “Liệu có cần một gói giải pháp cụ thể hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp cả về vốn và lãi suất hay không?”. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết giải pháp đột phá chính là phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Khó khăn lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay là thị trường, lúa đang chín đầy đồng từ Nam tới Bắc, tôm cá heo gà cũng nhiều nhưng khó tiêu thụ nên giá thấp, thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng. Chính phủ đã có chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, giúp giá lúa nhích lên 100 - 200 đồng/kg. Chính phủ cũng chỉ đạo ngành ngân hàng tăng tín dụng cho nông dân để họ không phải bán vội lúa, chỉ đạo các DN đẩy mạnh xuất khẩu để tiêu thụ các loại nông sản... Nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt, còn lâu dài phải tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Chia sẻ với bộ trưởng, nhưng ĐB Trần Hoàng Ngân nhận xét các giải pháp mà bộ trưởng đưa ra còn “hiền” quá! Với một số ngành khác khi gặp khó khăn thì luôn đề nghị hỗ trợ, trong khi ngành nông nghiệp hiện đang rất khó khăn nhưng giải pháp đưa ra chưa tạo được sự đột phá. Minh chứng cho vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng với chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo hiện nay, người nông dân không đạt được mức lợi nhuận tối thiểu 30% như chủ trương của Chính phủ. ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) chất vấn: “Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho DN mua tạm trữ tới 700 tỷ đồng, vậy người nông dân được lợi gì?”. Trong khi đó, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp tăng năng suất nhưng chất lượng nông sản vẫn rất thấp. Chính vì thế, người nông dân luôn rơi vào cảnh “được mùa, rớt giá”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, chủ trương mua tạm trữ chỉ nhằm hỗ trợ thị trường chứ không bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ngành ngân hàng cho DN vay khoảng 7.000 tỷ đồng mua gạo tạm trữ, hỗ trợ lãi suất trong 3 tháng thì mức hỗ trợ này chỉ khoảng 200 tỷ đồng. Còn với nông dân, nhờ có chủ trương tạm trữ, giá lúa nhích lên 100 - 150 đồng/kg, thì 1 triệu tấn gạo được lợi khoảng 100 - 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng theo số liệu của bộ trưởng, với mức giá thành hiện nay thì giá lúa tại ruộng phải đạt ít nhất 5.400 đồng/kg nông dân mới lãi 30%. Trong khi đó, giá lúa hiện nay đang ở mức 4.450 - 4.875 đồng/kg. “Như vậy, bà con vẫn chưa được lãi như mong đợi” - Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận. Hiện giá gạo 25% tấm bán tại mạn tàu mới chỉ đạt 6.995 đồng/kg nên DN khó lòng mua gạo cho nông dân với giá cao hơn. Với chất vấn của ĐB Trần Ngọc Vinh, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, đúng là có một số mặt hàng Việt Nam chất lượng thua kém so với các nước sản xuất nông nghiệp.

Báo cáo việc lấy đất rừng cho thủy điện

Về sử dụng tài nguyên rừng, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho biết thời gian qua, người dân Đồng Nai rất bức xúc trước việc chuyển quyền sử dụng rừng của Vườn quốc gia Cát Tiên với diện tích tương đối lớn để triển khai các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Việc chuyển quyền sử dụng rừng lớn như vậy đã ảnh hưởng đến tài nguyên nguyên sinh, tác động xấu tới tài nguyên môi trường. ĐB Trương Văn Vở đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết trách nhiệm trong vấn đề này và có đồng tình loại khỏi quy hoạch 2 dự án thủy điện này không? Về câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, nên hạn chế lấy rừng ở nơi rừng đã được quy hoạch làm rừng đặc dụng, phòng hộ xung yếu. Trên cơ sở đánh giá tác động môi trường của Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT, Chính phủ sẽ có báo cáo QH do diện tích rừng phục vụ cho 2 dự án này lớn hơn 50ha, thuộc thẩm quyền quyết định của QH.

Được Chủ tịch QH gợi ý, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng cho biết quan điểm của mình về vấn đề trên: “Chúng tôi khẳng định rằng nếu 2 dự án thủy điện trên tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến Vườn quốc gia Cát Tiên thì Chính phủ sẽ kiến nghị QH xem xét”.

Sáng 12-6, QH đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC). Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi luật lần này cần tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để xác định và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác PCCC. Một vấn đề khác nảy sinh trong các vụ cháy nghiêm trọng vừa qua là cần bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động PCCC và chính sách cho lực lượng PCCC. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đặt vấn đề, cả TP Hà Nội hiện chỉ có 50 bộ quần áo cho lực lượng PCCC, các phương tiện khác cũng thiếu nhiều. ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) cho rằng dự thảo luật quy định theo hướng chủ gia đình trang bị các thiết bị PCCC tại chỗ là không phù hợp, khó khả thi trong thực tế.

Cùng ngày, với 89,76% số đại biểu tán thành, QH đã thông qua Luật Phòng chống khủng bố. Luật quy định việc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố ở 2 cấp. Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố quốc gia, với Bộ Công an là cơ quan thường trực và có cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách. UBND cấp tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố cấp tỉnh. Luật cũng quy định về lực lượng chống khủng bố gồm: các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được giao thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố; các lực lượng khác được huy động tham gia chống khủng bố.

BẢO MINH


* Theo Vụ Công tác đại biểu, tính đến 17 giờ ngày 10-6, Thủ tướng Chính phủ đã nhận được 5 chất vấn của ĐBQH. Các câu hỏi liên quan đến tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhập lậu; chính sách hỗ trợ người nghèo; quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020; tình trạng sinh viên không tìm được việc làm hoặc có thì trái chuyên ngành đào tạo… Trước các phiên chất vấn trực tiếp bắt đầu từ chiều 12-6, hơn 150 chất vấn bằng văn bản đã được gửi đến hầu hết các thành viên Chính phủ.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục