Không thể thực hiện trưng mua thay cho thu hồi đất

Sáng 17-6, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý sẽ có 14 chương, 210 điều (tăng thêm 4 điều so với Dự thảo lấy ý kiến nhân dân). Nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 01-10-2013 để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp hết thời hạn sử dụng (vào ngày 15-10-2013).

(SGGPO).- Sáng 17-6, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý sẽ có 14 chương, 210 điều (tăng thêm 4 điều so với Dự thảo lấy ý kiến nhân dân). Nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 01-10-2013 để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp hết thời hạn sử dụng (vào ngày 15-10-2013).

        Không thừa nhận việc đòi lại đất

Liên quan đến chế độ sở hữu đối với đất đai, tiếp thu các ý kiến góp ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp thu và quy định bổ sung một điều vào Chương I của dự thảo Luật, cụ thể: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Về quyền và trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với đất đai (Chương II), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung các quy định trách nhiệm của Nhà nước về bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất và cung cấp thông tin về đất đai. Theo đó, Nhà nước bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về thu hồi đất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu; người sử dụng đất được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất... theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản (Điều 13) quy định Nhà nước trưng mua nhà và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Do đó, không thể thực hiện “trưng mua” thay cho “thu hồi” đất.

Về các ý kiến đề nghị không thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội đồng thời quy định rõ các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế, xã hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, các dự án phát triển kinh tế, xã hội thuộc lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng phải do Nhà nước thu hồi đất để bảo đảm thực hiện.

Cụ thể, đó là các dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, các dự án, công trình quan trọng do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; các dự án xây dựng khu đô thị mới, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp, các dự án khác đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua; các dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại khu vực khai thác đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác theo quy định của Luật Khoáng sản.

Khi thu hồi đất để tạo quỹ đất sạch và thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua hình thức đấu giá, Nhà nước sẽ điều tiết được phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, tạo nguồn thu để thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư. Đối với các dự án phát triển kinh tế, xã hội có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện nhưng không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất thì cho phép chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của người sử dụng đất để thực hiện dự án. Việc quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội là thể chế hóa đúng tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương.

        Thời điểm tính tiền sử dụng đất là thời điểm có quyết định giao đất

Đây là một điểm mới được tiếp thu vào dự luật. Tương tự, thời điểm xác định giá bồi thường trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất là thời điểm có quyết định thu hồi. Dự luật cũng quy định không thành lập Quỹ phát triển đất (một tổ chức mới) mà giao Tổ chức phát triển quỹ đất quản lý Quỹ này để bảo đảm thống nhất đầu mối, hạn chế việc thành lập bộ máy mới phù hợp với cải cách hành chính hiện nay.

Về nguyên tắc định giá đất, đáng lưu ý là Dự thảo này đã tiếp thu bổ sung nguyên tắc phù hợp với thu nhập từ việc sử dụng đất đối với trường hợp xác định được thu nhập, cụ thể giá đất bồi thường phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, đấu giá quyền sử dụng đất thành công hoặc phù hợp với thu nhập từ việc sử dụng đất đối với trường hợp xác định được thu nhập.

Dự thảo Luật cũng không quy định cụ thể về mức biến động và thời gian biến động giá đất thị trường mà giao cho Chính phủ quy định để đảm bảo khung giá đất phù hợp với biến động giá đất trên thị trường đối với từng loại đất, từng vùng theo từng thời gian.

Trên cơ sở nhận định rằng khung giá đất, bảng giá đất của Nhà nước ban hành theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền do pháp luật quy định nên luôn có độ trễ so với sự biến động của giá đất trên thị trường, bảng giá đất được quy định chỉ áp dụng đối với một số trường hợp. Đó là khi tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; tính tiền thuê đất đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm mà không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; tính các khoản thuế liên quan đến đất đai; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai.

Về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, qua cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị kéo dài thời hạn giao đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, làm muối cho hộ gia đình, cá nhân lên 50 năm.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục