Vẫn giữ lộ trình thông qua dự thảo sửa Hiến pháp 1992

* Dự án Luật Đất đai: thông qua hay không sẽ tùy vào Quốc hội
* Dự luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: cần nhấn mạnh chống lãng phí

(SGGPO).- Sáng nay, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII năm 2013 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014.

Theo đó, tại kỳ họp này, có 2 dự luật được bổ sung thông qua là Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; 2 dự luật được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 các dự án là Luật đấu thầu (sửa đổi); Luật việc làm. Ngoài ra có 6 dự luật được bổ sung vào cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6. Cũng trong năm 2013, dự án Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.

Các đại biểu Quốc hội cũng thống nhất việc rút khỏi chương trình năm 2013 các dự án: Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược.

Cũng theo Nghị quyết, tại kỳ họp thứ 7 khóa XIII năm 2014, Quốc hội sẽ thông qua 14 dự án và cho ý kiến 15 dự án luật; tại kỳ họp thứ 8 lần lượt là 16 và 11 dự án.

Trước đó, trong phần báo cáo tiếp thu, giải trình Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc về thời điểm trình thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có thể lùi lại một năm để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng, việc xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã và đang được tiến hành đúng các bước theo tiến độ và yêu cầu mà Quốc hội đã đề ra. Trên cơ sở ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp sau.

Với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), báo cáo cũng phản ánh ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc thời điểm thông qua, để đảm bảo sự phù hợp với các quy định trong Hiến pháp. Về điều này, theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong trường hợp sau khi thảo luận về dự án luật mà Quốc hội quyết định chưa thông qua tại kỳ họp này thì đề nghị Quốc hội cho đưa dự án vào chương trình xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (theo lịch trình Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào ngày 21-6).

* Trong buổi sáng nay, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), tham nhũng, lãng phí có mối quan hệ mật thiết, chuyển hóa cho nhau. Chính vì vậy, phòng ngừa tham nhũng cũng chính là chống lãng phí. Tuy nhiên, so sánh dự luật này với Luật phòng, chống tham nhũng vẫn có những điểm chưa thống nhất đó là, một bên quy định yêu cầu về cung cấp thông tin còn dự luật này lại không có quy định như vậy. Hay như, về bồi thường thiệt hại, dự luật mới quy định chung là theo quy định của pháp luật trong khi pháp luật về vấn đề này còn chưa hoàn thiện nên tính khả thi không cao.

Chia sẻ quan điểm này, theo đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội), dự luật nên tập trung vào chống lãng phí là chính vì đó chính là tiết kiệm và cần phải được nhấn mạnh vào chống lãng phí vì lãng phí mức độ nào đó chuyển thành tham nhũng. Và, cũng bởi những điều khoản về tiết kiệm như luật chủ yếu khuyến khích và “không mấy khi làm được”. Cũng theo đại biểu, dự luật chưa quy định đủ mạnh để chống và để chống được lãng phí phải đưa chế tài tối đa.

Theo đại biểu Lê Văn Tân (Hà Nam), vừa qua, Ủy ban Thường vụ có báo cáo giám sát chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012. Nhưng báo cáo không nói rõ tiết kiệm, có lãng phí hay không và xử lý ra sao. Theo đại biểu, giám sát tối cao còn như vậy thì các giám sát các tổ chức khác sẽ còn không ít băn khoăn. Nêu các ví dụ từ thực tế hoạt động của báo chí về: xe công đi lễ hội, mất vệ sinh an toàn thực phẩm... khiến thực trạng trên giảm, đại biểu Tân đề nghị đề nghị bổ sung mục các cơ quan báo chí có quyền, giám sát thực hiện chống lãng phí.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục