Chưa gầy dựng đủ lòng tin

Ngày 1-1-2019, Romania lần đầu tiên đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) sau khi gia nhập khối này vào năm 2007. Với cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), hoàn tất quá trình Brexit và giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, xem ra vai trò Chủ tịch EU của Romania vô cùng nặng nề. 

Chính các quan chức EU cũng bày tỏ lo ngại về khả năng của Romania khó có thể đảm trách vai trò này. Tờ The Guardian của Anh dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nói rằng ông nghi ngờ Chính phủ Romania có thể khắc phục các vấn đề nội bộ của chính mình để lãnh đạo EU. Theo ông, Chủ tịch EU đòi hỏi hành động thận trọng cũng như sự sẵn sàng lắng nghe và sẵn sàng đặt mối quan tâm của chính mình vào các vấn đề cốt lõi, điều ông chưa thấy ở Romania.

Nhà hoạt động chống tham nhũng Laura Stefan, cựu quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp Romania, đồng ý với lo ngại của ông Juncker khi cho rằng các nhà lãnh đạo Romania thực sự bị ám ảnh về các vấn đề pháp lý của chính họ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Một đề xuất đang được EU theo dõi chặt chẽ là luật ân xá để bảo vệ các chính trị gia khỏi bị truy tố vì tham nhũng tại Romania, như Liviu Dragnea, được coi là người đàn ông quyền lực nhất ở Romania. Là một doanh nhân trở thành chính trị gia và hiện là chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội nhưng bị cấm trở thành thủ tướng khi đảng của ông giành được quyền lực vào năm 2016 do bị kết án gian lận phiếu bầu. Những lo ngại về việc Romania quay trở lại tình trạng tham nhũng đã tăng cao vào tháng 7-2018, khi người đứng đầu Ban Giám đốc chống tham nhũng quốc gia (DNA) Laura Codruta Kövesi, bị cách chức sau 5 năm tại vị, trong đó bà giám sát một loạt bản án chống lại các bộ trưởng và thị trưởng.

Ngoài ra, nội bộ của Romania còn tồn tại nhiều mâu thuẫn giữa một bên là Tổng thống Klaus Iohannis thuộc đảng Tự do Dân tộc và một bên là ông Liviu Dragnea và nữ Thủ tướng Viorica Dancila cùng thuộc đảng Dân chủ Xã hội. Mâu thuẫn này đã khiến Tổng thống Romania trong tháng 12-2018 tuyên bố rằng đất nước này chưa sẵn sàng tiếp quản vị trí chủ tịch luân phiên EU. Kể từ khi chính phủ của đảng Dân chủ Xã hội nhậm chức (tháng 1-2017), 70 vị trí đã bị thay thế liên tục, trong đó có 3 thủ tướng, 6 bộ trưởng kinh tế, 4 bộ trưởng quốc phòng và 3 người phụ trách các vấn đề của EU. Theo các chuyên gia, lỗ hổng chính của Chính phủ Romania là thiếu năng lực khi nhiều bộ trưởng đã được thăng chức từ nền chính trị địa phương, không được đào tạo hoặc có tầm nhìn đúng đắn và thiếu kiến thức về quá trình xử lý xã hội dân sự, kinh doanh và đối ngoại.

Sự nhiễu loạn có thể giúp giải thích lý do tại sao Romania đã yêu cầu sử dụng thâm lạm trong số 30,8 tỷ EUR tiền mặt được EU tài trợ dành cho giai đoạn 2014-2020 để xây dựng đường bộ, đường sắt, tàu điện ngầm và thúc đẩy nền kinh tế được cho là thuộc những quốc gia nghèo nhất EU. Chính phủ Romania còn bị cáo buộc tìm cách quay ngược thời gian sau nhiều năm cải cách dân chủ. Tháng 11-2018, EC đã cảnh báo Chính phủ Romania rằng họ đã quay lưng lại với những tiến bộ đạt được kể từ khi gia nhập EU vào năm 2007, trong khi EC đã thông qua một nghị quyết lên tiếng về mối quan ngại sâu sắc với một số quyết định làm suy yếu nền pháp trị của Romania.

Tin cùng chuyên mục