Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch

Cần hỗ trợ thủ tục xuất nhập khẩu
Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch

(SGGPO).- Ngày 4-3, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chủ trì cuộc gặp gỡ, đối thoại với gần 200 đại biểu đến từ 12 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp kỹ thuật cao…(DNNN) tiêu biểu trên địa bàn thành phố nhằm lắng nghe những khó khăn vướng mắc của DNNN.

Tại cuộc gặp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà nhấn mạnh: Gặp gỡ giữa Lãnh đạo thành phố và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn nhân dịp đầu năm là sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư và hoạt động kinh doanh tại TPHCM. Đây không chỉ là dịp để lãnh đạo thành phố gặp gỡ các doanh nghiệp mà còn là cơ hội để lắng nghe ý kiến của các Hiệp hội, các doanh nghiệp nước ngoài nhằm có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời xây dựng, triển khai và chỉ đạo điều hành để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện môi trường hoạt động đầu tư kinh doanh. Phó Chủ tịch hy vọng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục gắn bó với TPHCM, phát triển hoạt động kinh doanh và đa dạng hóa đầu tư. UBND TPHCM cam kết sẽ hết sức hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, không ngừng đề ra và triển khai thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, trở ngại trong thủ tục đầu tư để bảo đảm một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch. 

Sản xuất dụng cụ y tế tại Cty Nikkiso Việt Nam tại KCX Tân Thuận. Ảnh: Đức Trí

Trong năm 2014, thành phố đã thu hút 457 dự án đăng ký mới với tổng vốn là 2,88 tỷ USD. Ngoài ra, còn có 138 dự án đầu tư điều chỉnh tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm là 383,41 triệu đô-la Mỹ. Tính chung các dự án cấp mới và điều chỉnh tăng vốn, thành phố đã tiếp nhận 3,26 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 56,6% so cùng kỳ năm 2013. Vốn FDI thực hiện trên địa bàn năm 2014 khoảng 2,5 tỷ USD , tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2013. Về lĩnh vực đầu tư, các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với giá trị vốn đầu tư đăng ký là 1,65 tỷ USD  (chiếm 57,2%). Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nhằm đón đầu một chu kỳ tăng trưởng mới sau một thời gian trầm lắng với số vốn đầu tư đăng ký cấp mới đạt xấp xỉ 635 triệu USD (chiếm 22,07%). Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác với 334 triệu USD  vốn đầu tư (chiếm 11,63%). Về lĩnh vực đầu tư, thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực theo định hướng phát triển gồm 9 nhóm ngành dịch vụ (tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm, thương mại, vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu, bưu chính-viễn thông và công nghệ thông tin- truyền thông, kinh doanh tài sản- bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học- công nghệ,  du lịch, y tế, giáo dục- đào tạo) và 4 nhóm ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm).

Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến của các doanh nghiệp FDI tập trung vào các vấn đề còn hạn chế như thủ tục đầu tư rườm rà và thời gian giải quyết kéo dài. Lao động, xuất nhập cảnh còn nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện để các doanh nhân được xuất nhập cảnh và cư trú thuận lợi cũng như việc tuyển dụng và sử dụng lao động phù hợp với quy định còn khó khăn. Thủ tục thuế và hải quan còn tốn nhiều thời gian do có nhiều quy định khác nhau, trong đó nhiều văn bản quy phạm còn chồng chéo lẫn nhau hoặc chưa rõ ràng…

Kết thúc hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM gửi lời cảm ơn đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đã gắn bó và có nhiều đóng góp to lớn vào nền kinh tế TP trong suốt những năm qua, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp sức với TP trong nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân và là một yếu tố quan trọng làm thay đổi bộ mặt TP trở thành một đô thị văn minh, hiện đại.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhấn mạnh, tác động tích cực của các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ thể hiện qua các con số bởi các nhà đầu tư không chỉ đơn thuần dừng ở việc đưa vốn vào TP, mà còn đầu tư công nghệ, kỹ thuật, phương thức và bí quyết kinh doanh. Đây là yếu tố quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Nhiều cao ốc khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại được mọc lên, các hệ thống siêu thị có vốn FDI được mở tạo thêm làm việc. Hoạt động FDI cũng góp phần tạo cho TP hình thành các khu đô thị mới văn minh, các khu dân cư, căn hộ cao cấp với thiết kế đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Qua thực tế lắng nghe ý kiến của đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy nhận thấy TP vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới mới có thể đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư, thu hút thêm các nguồn lực đầu tư nước ngoài. Bí thư Thành ủy chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho các nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường tiếp xúc, đối thoại, nghiên cứu, triển khai đường dây nóng nhằm giải quyết các vướng mắc của các doanh nghiệp, phải tăng cường thanh kiểm tra việc thực thi công vụ của công chức nhà nước, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây khó dễ cho doanh nghiệp; chủ động nghiên cứu, đề xuất Thành ủy, UBND TPHCM kiến nghị Trung ương ban hành các chính sách thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Tập trung phát triển nguồn nhân lực đủ trình độ, tay nghề cao đảm bảo đáp ứng được yêu cầu về lao động tại chỗ của các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao. Khẩn trương phát triển hệ thống giao thông và kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận, xây dựng thêm các kết cấu hạ tầng kết nối giữa khu vực trung tâm TP với các khu đô thị mới.

 Ông Yataka Watanabe, Tổng Giám đốc Công ty Towa (chuyên sản xuất linh kiện máy móc trong ngành xây dựng): Cần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ trợ

TP cần hỗ trợ để các DN Việt Nam tham gia sản xuất các linh, phụ kiện của công ty. Thời gian qua có nhiều DN Việt Nam tìm hiểu để tham gia sản xuất nhưng không đủ vốn để mua máy móc, trong khi đó máy móc của họ quá lạc hậu nên không sản xuất được theo yêu cầu của công ty. Họ rất muốn cùng công ty chúng tôi hợp tác sản xuất, tuy nhiên, các DN Việt Nam hầu như không có nguồn vốn để đầu tư công nghệ. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn TPHCM hỗ trợ vốn để DN Việt Nam đầu tư máy móc thiết bị, Towa hỗ trợ về kỹ thuật để họ cùng tham gia sản xuất linh kiện phụ trợ nhằm tiết giảm chi phí vì không phải đưa qua các nước khác gia công. 

Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AMCHAM): Cần hỗ trợ thủ tục xuất nhập khẩu

Nền kinh tế Việt Nam đã dần hồi phục ổn định, đây là cơ hội cho các nhà đầu tư. Vì vậy, các DN của AMCHAM vẫn sẽ tiếp tục tăng cường nguồn vốn vào thị trường này. Những ngành mà AMCHAM cho là ngành hàng tiêu dùng, ngành sản xuất hiện đại xuất khẩu trên toàn thế thới và ngành dịch vụ là những ngành rất tiềm năng để phát triển. Ngày càng nhiều công ty Mỹ đầu tư vốn vào ngành công nghiệp hiện đại Việt Nam với các sản phẩm tạo ra giá trị gia tăng xuất khẩu. Nhà nước cần hỗ trợ các công ty Việt Nam tham gia sản xuất các mặt hàng cung ứng vào các tập đoàn, công ty cung ứng toàn cầu.

Thời gian tới, AMCHAM cần sự hỗ trợ nhập khẩu, xuất khẩu được dễ dàng hơn. Cần kéo dài thời gian cấp visa chứ không chỉ 3 tháng như hiện nay và có giá trị nhiều lần.

Ông Yasuzumi Hirotaka, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM: Cần một chính sách thống nhất

Năm 2014, nhà đầu tư Nhật Bản giảm 65% so với năm 2013 nhưng chỉ tạm thời, vừa qua nhiều DN vừa và nhỏ muốn đầu tư vào TPHCM. Mặc dù thời gian qua thủ tục đầu tư, thuế, hải quan đã rút ngắn thời gian, tuy nhiên nhiều DN vẫn kêu ca. Nhất là hệ thống pháp lý chưa minh bạch, thủ tục rườm rà. Cơ sở hạ tầng chưa quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, sự thay đổi liên tục và không thống nhất trong các chính sách cũng gây trở ngại lớn cho hoạt động kinh doanh. Các DN Việt Nam tham gia sản xuất linh kiện cung cấp cho các nhà đầu tư Nhật chỉ chiếm 14% thấp hơn với các nước trong khu vực Đông Nam Á (21%). Do vậy, chúng tôi rất mong TPHCM hỗ trợ hơn nữa cho các DN Việt Nam tham gia sản xuất công nghiệp phụ trợ.


Quốc Hùng - Hàn Ni

Tin cùng chuyên mục