Bình Định cần "đào ao sâu" để đón "cá lớn" về đầu tư

Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định vào ngày 4-3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, tiềm lực phát triển của tỉnh còn rất lớn cần tiếp tục khai phá. Đồng thời, cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng hoàn thiện để tạo "ao sâu" nhằm thu hút các nhà đầu tư "cá lớn".

Kiến nghị gỡ khó dự án điện gió trên biển

Làm việc với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác Trung ương, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn đã báo cáo về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị tỉnh năm 2023 và nêu lên nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới.

dsc06388-378.jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn phát biểu tại buổi làm việc

Năm 2023, chỉ số phát triển của Bình Định có nhiều đột phá, tăng trường GRDP tăng 7,61% xếp thứ 17/63 địa phương cả nước và 6/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Quy mô kinh tế tỉnh ước đạt gần 118.000 tỷ đồng, xếp thứ 5/14 tỉnh, thành miền Trung; GRDP đầu người đạt 78,1 triệu đồng…

Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cũng thông tin định hướng phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, đến 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế...

dsc06333-8014.jpg
Tỉnh Bình Định vừa khánh thành khu công nghiệp, đô thị dịch vụ Becamex VSIP Bình Định

Qua đó, tỉnh Bình Định đưa ra 5 nhóm kiến nghị đến Chủ tịch Quốc hội, gồm: mở rộng cảng hàng không Phù Cát với 3 dự án tổng vốn trên 7.300 tỷ đồng; đầu tư đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku (trên 151km từ Bình Định đi Gia Lai, tổng vốn dự kiến 44.200 tỷ đồng); gỡ khó cơ chế, chính sách cho dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE (Đức), tổng vốn khoảng 4,6 tỷ USD, công suất 2.000MW; sớm ban hành Luật về Thừa phát lại; gỡ khó trong chuyển đối mục đích sử dụng rừng đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đoạn qua huyện Hoài Ân…

Định vị lại Khu kinh tế Nhơn Hội để tránh xung đột

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các lãnh đạo, đại diện Đoàn công tác Quốc hội và Chính phủ phản hồi, đóng góp ý kiến giúp tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, xem xét các kiến nghị cụ thể của tỉnh. Trong đó, các lãnh đạo, đại diện Đoàn công tác Trung ương đã tập trung đóng góp ý kiến xoay quanh các kiến nghị đề xuất tỉnh và góp ý giúp Bình Định phát triển bền vững hơn.

dsc06429-4740.jpg
Lãnh đạo Bộ Công thương phát biểu đóng góp ý kiến

Lãnh đạo Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội nêu ý kiến đóng góp liên quan đến các đề xuất Bình Định, đồng thời góp ý cho tỉnh cần quan tâm đầu tư, phát triển các chương trình lấy nền tảng từ Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ở Quy Hòa, TP Quy Nhơn). Bởi, giá trị của trung tâm này không chỉ mang lại cho riêng Bình Định mà còn cho đất nước…

Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng kết luận một số nội dung liên quan đến các kiến nghị của Bình Định tập trung nâng cấp sân bay, đầu tư cao tốc, đặc biệt là tháo gỡ dự án điện gió ngoài khơi. Liên quan đến đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Định phối hợp với tỉnh Gia Lai và Bộ GTVT để nghiên cứu phương án đầu tư, đặc biệt là kinh phí và cần phân tách ra từng giai đoạn, thành phần nguồn vốn cụ thể.

dsc06463-8349.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc làm việc

Còn vướng mắc trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua huyện Hoài Ân, giao Bộ KH-ĐT phối hợp với chính quyền tỉnh Bình Định để trình Thường vụ Quốc hội sớm xin ý kiến tháo gỡ nhanh.

Phó Thủ tướng cho rằng, những năm qua, phát triển Bình Định có nhiều dấu ấn, đột phá và có tư duy, tầm nhìn rất tốt. Tuy nhiên, lưu ý thêm tỉnh cần chú trọng bảo vệ tính bền vững của tự nhiên, môi trường. Trong đó, cần định vị lại Khu kinh tế Nhơn Hội để tránh xung đột giữa các ngành nghề, lĩnh vực và môi trường. Việc định vị cần có tham vấn kỹ lưỡng giới chuyên môn, để phát triển hiệu quả, bảo tồn được các các nguồn tài nguyên tự nhiên.

Nhiệm vụ rất nặng nề, không chủ quan

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những thành quả mà tỉnh Bình Định đạt được trong năm 2023. Mặc dù xuất phát điểm khó khăn, song tỉnh đã nỗ lực với khát vọng vươn lên đạt được nhiều kết quả mang tính đột phá, quy mô kinh tế vươn lên TOP dẫn đầu miền Trung, các chỉ số tăng trưởng đồng bộ, hài hòa.

dsc06501-7696.jpg

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao thế mạnh trong đoàn kết nội bộ ở Bình Định. Cho rằng, các lãnh đạo từ trên xuống dưới đều đoàn kết một lòng; các đồng chí nguyên lãnh đạo qua các thời kỳ cùng rất đồng tình, ủng hộ và thường xuyên đóng góp giúp tỉnh phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý thêm, mặc dù có bước phát triển mới đột phá, song quy mô kinh tế tỉnh vẫn còn hạn chế, vì vậy địa phương cần nỗ lực hơn nữa không nên chủ quan. Mục tiêu quy hoạch giai đoạn tới của Bình Định rất cao, trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, là trung tâm phía Nam vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển, trung tâm du lịch lớn… Vì vậy, tỉnh cần nỗ lực hơn nữa, duy trì khát vọng phát triển.

dsc06540-8120.jpg

Cho rằng, phát triển Bình Định là phát triển chung của vùng, khu vực mang ý nghĩa chiến lược, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm hỗ trợ tỉnh nhiều hơn nữa. Để thực hiện được các mục tiêu trên, một mặt trách nhiệm của tỉnh, nhưng mặt khác cần có sự hỗ trợ từ Trung ương, đặc biệt là trách nhiệm của Hội đồng điều phối Vùng trong các điều kiện về cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực…

Nhìn thấy động lực phát triển của tỉnh vẫn chưa lớn, dòng dự án động lực chưa có nhiều song Chủ tịch Quốc hội đánh giá, do xuất phát điểm tỉnh thấp, điều kiện địa lý khó khăn nên chưa có “ao sâu thu hút cá lớn”. Vì vậy, tỉnh cần tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng và các chương trình thu hút, thúc đẩy đầu tư nhằm tạo “ao sâu” để đón “cá lớn”. Ngoài ra, quỹ đất phát triển công nghiệp và các lĩnh vực của tỉnh khá lớn, nhưng tỉnh cần chọn lựa thu hút dự án trọng điểm, tính toán nâng suất đầu tư trên từng héc ta đất để phát huy giá trị tài nguyên đất đai…

dsc06523-3772.jpg
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định phát biểu cảm ơn, đưa ra các cam kết phát triển với Đoàn công tác Trung ương tại sự kiện
dsc06530-5806.jpg
Trao bảng tượng trưng số tiền 5 tỷ đồng Đoàn công tác Trung ương để xây 100 ngôi nhà tình nghĩa tại tỉnh Bình Định

Cao tốc Quy Nhơn – Pleiku là dự án đặc biệt, chiến lược

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nâng cấp sân bay Phù Cát và đầu tư cao tốc Quy Nhơn – Pleiku mà Bình Định kiến nghị là các nhiệm vụ phát triển hết sức quan trọng, cấp thiết, có tính chiến lược không chỉ cho phát triển của tỉnh mà là của cả vùng.

Trong đó, cao tốc Quy Nhơn – Pleiku nếu đầu tư sớm sẽ khơi thông được cửa ngõ phát triển ra biển cho Tây Nguyên, kết nối nhanh với tam giác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia. Vì vậy, đề nghị các bộ ngành trung ương cần hỗ trợ, tạo điều kiện để tỉnh sớm đầu tư. Trong đầu tư cao tốc cần nghiên cứu, tính toán lựa chọn các nguồn vốn đầu tư lồng ghép đầu tư công.

Tin cùng chuyên mục