Ngành đường sắt nỗ lực làm du lịch

Ngành đường sắt nỗ lực làm du lịch

Nâng cấp chất lượng phục vụ, đưa các toa tàu mới với tiện ích hiện đại để công ty du lịch mở tour đi đến các tỉnh đã được ngành đường sắt triển khai gần 1 năm qua. Thế nhưng, đến nay du lịch bằng tàu lửa chưa thật sự thu hút khách du lịch. Mới đây, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn mở hội nghị với chủ đề “Nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và hợp tác phát triển kinh doanh” để lắng nghe sự hài lòng của hành khách nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút du khách.

Giá vé cao: rào cản lớn!

Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, du lịch bằng đường sắt có nhiều lợi thế, giúp du khách có thể “mục thị” khắp chiều dài đất nước. Đường sắt vẫn là loại hình mới, an toàn. Du khách có thể vui chơi thỏa thích trên tàu mà vẫn tận hưởng các loại dịch vụ... Ông Nguyễn Thế Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho rằng, ngành đường sắt có chuyển biến tích cực trong việc phối hợp với Hiệp hội du lịch các tỉnh để phát triển, tạo ra nhóm kích cầu. Nhưng ngành đường sắt phải xem xét việc đáp ứng du lịch trong các mùa lễ tết, vì tăng chuyến rất khó do chỉ có một đường ray. Số chuyến hạn chế, việc giảm giá vé cho công ty lữ hành lại ít, chỉ từ 10%-20%, trong khi đó máy bay giảm đến 50%. Ước tính, nếu cùng một điểm đến thì giá đường sắt chỉ thấp hơn máy bay khoảng 200.000 đồng và cao hơn ô tô rất nhiều, trong khi tâm lý du khách thích đi máy bay hơn. Cụ thể, vừa qua ngành đường sắt khai trương thêm tuyến đi Sài Gòn - Nha Trang nhưng khung giờ đi rất xấu mà giá vẫn không thay đổi, nên rất khó bán tour. “Giá cao thì chất lượng phải tương xứng nên phải sạch sẽ, an ninh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu khung giờ xấu thì phải có khuyến mãi. Đặc biệt là phải có chính sách ưu tiên, ưu đãi và có bộ phận riêng phục vụ cho các công ty du lịch”, ông Vinh đề nghị.

Nhân viên ngành đường sắt phục vụ hành khách trên tàu

“Việc mua vé vẫn còn gặp nhiều khó khăn”, cũng là vấn đề mà nhiều công ty du lịch phản ánh. Đặc biệt, khi công ty ký hợp đồng mua vé nhưng không biết giá mà phải chờ tới cận ngày mới biết giá, rất bị động. Một doanh nghiệp cho biết, vừa qua đặt khoảng 2.000 vé từ tháng 4 để đi vào dịp hè, nhưng đến gần ngày đi thì bên đường sắt thông báo vé tăng do dịp hè; lúc đó khoảng chênh lệch công ty bỏ tiền ra bù nếu không thương lượng. Giá vé tàu tăng liên tục, đặc biệt những ngày lễ giá cao, không có khuyến mãi cho công ty du lịch nên rất khó bán được tour. Do vậy, cần phải xem xét lại giá cho phù hợp. Nên cải thiện giao dịch bằng hộp thư điện tử đối với công ty du lịch mua vé. Trên tàu cần phải có phim, wifi để không tạo sự nhàm chán, cần cách âm với tiếng ồn bên ngoài.

Cần xóa định kiến xả thải xuống đường ray…

Tuy là một công ty ở ngoài miền Bắc nhưng đang phát triển du lịch đường sắt ở miền Nam với hơn 90% là khách nước ngoài, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty Du lịch đường sắt Sông Hồng nói trong thất vọng: “Công ty cũng nghe theo lời đường sắt quảng cáo toa tàu VIP, nhưng đến khi lên tàu thì nhà vệ sinh còn dơ, bụi bám dày ở các ghế và còn có gián, mùi hôi... Cửa ra vào quá nhỏ nên va li phải để ngoài, khiến du khách rất hoang mang, lo lắng mất tài sản. Đã vậy, tàu lửa dừng đón quá ít thời gian khiến du khách cập rập lên xuống cũng như tham quan”. Ông Nguyễn Minh Đăng Khôi, Giám đốc Công ty Du lịch và sự kiện Thiên Phú góp ý thêm, ngành đường sắt nên xem quy trình chăm sóc khách hàng không phải bán vé là xong, mà bắt đầu từ khi bán vé cho đến khi hành khách xuống tàu.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó tổng Giám đốc cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn chia sẻ: “Vận chuyển là một phần trong du lịch, chúng tôi đã rất nỗ lực để ngày càng tốt hơn, như đã lắp đặt wifi trên các toa tàu phục vụ du khách…”. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn Phạm Văn Sơn quả quyết: “Sẽ phải thay đổi. Đúng là vẫn còn bất cập, chưa hợp lý, còn nhiều lúng túng như khách đặt 50 chỗ nhưng đến khi đi chỉ còn 49 chỗ thì vẫn chưa có tình huống xử lý dư 1 vé như thế nào. Cần phải có bộ phận phục vụ các công ty du lịch bán tour đi tàu, có chính sách riêng, tạo điều kiện dễ dàng...”.

Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho hay đang thực hiện dự án đóng 30 toa tàu mới, với chi phí khoảng 320 tỷ đồng với nhiều tiện ích hiện đại. Ngoài ra, công ty cũng nâng cấp nhiều toa cũ từ 64 chỗ còn 56 chỗ, rộng rãi hơn.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục