Đưa thiên nhiên vào nhà

Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội KTS TPHCM, cho biết xu hướng kiến trúc xanh là “đưa thiên nhiên vào công trình kiến trúc và đưa công trình kiến trúc vào thiên nhiên” đã và đang thịnh hành trên thế giới từ nhiều năm qua. 

Tại Việt Nam, cụ thể là TPHCM, cũng có nhiều công trình được thiết kế theo xu hướng đó. Đưa thiên nhiên vào công trình không những giúp cải thiện môi trường sống cho chính chủ nhân của công trình này mà còn góp phần làm không gian chung trong lành, mát mẻ hơn. Thế nhưng, đưa thiên nhiên vào trong công trình có khó? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi nhanh với KTS Nguyễn Trường Lưu.

Đưa thiên nhiên vào nhà ảnh 1 Nhà phủ cây xanh tại huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh:THÀNH CHÍ
Phóng viên: Thưa ông, có không ít người rất thích trồng cây trong nhà, đặc biệt trên sân thượng, ban công... cho đẹp và mát, nhưng sợ làm nhà hư hỏng, thấm nước. Ông nghĩ sao về lo ngại này?

KTS Nguyễn Trường Lưu: Hiện nay có rất nhiều vật liệu chống thấm tốt. Điều quan trọng là việc thi công phải đúng quy trình kỹ thuật. Ở TPHCM có khá nhiều công trình nhà ở sau khi xử lý chống thấm, đã dành nguyên diện tích sân thượng, đổ đất cao gần 1m để trồng cây. Nhiều cây trồng trên đó là các loại cây lớn, cây ăn quả. Trong Đài tưởng niệm các vua Hùng ở quận 9, các KTS của Hội KTS TPHCM cũng đã thiết kế để trồng cây trên sân thượng và ban công. Công trình đi vào sử dụng hơn 10 năm và không có hiện tượng thấm nước ở khu vực trồng cây. Chưa kể, ở góc độ kỹ thuật, có một lớp đất rải trên bề mặt với nhiệt độ ổn định, bề mặt xi măng sẽ khó bị nứt. Tất nhiên, nếu muốn mọi người cũng có thể trồng cây trong chậu rồi đặt trên giá, tránh tiếp xúc trực tiếp với nền nhà. 

Với một số loài cây, đặc biệt như tre có rễ khỏe, ăn rộng và cây thằn lằn mọc bám vào tường... có nên trồng trong nhà?

Nhà tôi cũng đang trồng một số cây tre kiểng và... không sao cả, vì trước khi trồng tôi đổ bê tông bao khu vực trồng rất chắc, rất cứng. Rễ tre phát triển và cuộn tròn trong đó, không ảnh hưởng gì tới nhà. Còn cây thằn lằn mọc bám vào tường thì chỉ ảnh hưởng tới sơn tường, không làm mục tường. Nói tóm lại, cứ đổ bê tông chắc, chống thấm tốt là có thể an tâm trồng cây. 

Kinh phí để đầu tư chống thấm, đổ bê tông có cao không, thưa ông?

Bây giờ vật liệu xây dựng rất đa dạng với nhiều mức giá để người dân có thể chọn mua loại phù hợp. Nếu cần, họ có thể tham vấn giới KTS trước khi chọn mua. Theo tôi, để có được môi trường sống xanh, tươi mát cho chính gia đình mình, thì trồng cây là khoản đầu tư hợp lý và nên làm.

“Hiện có nhiều cao ốc dành những diện tích không nhỏ ở mỗi tầng để đổ đất trồng cây xanh. Cây xanh ở đây thậm chí là những cây có đường kính tới 4 - 5 tấc, hình thành nên các công viên mini. Và trong mỗi căn hộ cũng được thiết kế dành một không gian để trồng cây với hệ thống tưới nước tự động. Chủ nhà có thể đi vắng nhiều tháng mà cây trồng vẫn được tưới nước đủ để xanh tốt. Trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng như hiện nay, trồng cây xanh là giải pháp tốt và khả thi nhất để cải thiện môi trường sống. Ngoài việc thành phố trồng cây ven đường, công viên thì người dân cũng nên góp sức bằng việc trồng cây xanh trong nhà của mình”.
KTS Nguyễn Trường Lưu 

Câu hỏi cuối, trồng cây như vậy có tốn nhiều thời gian cũng như chi phí chăm sóc?

Hiện nay trên thị trường có bán nhiều hệ thống tưới nước tự động và người bán sẵn sàng đến lắp đặt hệ thống đó cho người mua. Việc trồng và chăm sóc cây xanh còn mang đến nhiều niềm vui cho người trồng. Cách nay 4 - 5 năm, ở châu Âu đã xuất hiện xu hướng “thành phố nông nghiệp” với nhiều hình thức khuyến khích người dân trồng rau, củ, quả... trên sân thượng, khu đất... để vừa cung cấp thực phẩm sạch vừa giúp không khí thành phố trong lành hơn. Người dân TPHCM có thể tham khảo kinh nghiệm này để trước hết là cải thiện môi trường, khí hậu, cung cấp rau sạch cho gia đình và có được niềm vui cho chính mình.

Tin cùng chuyên mục