Sáng 2-6, hơn 1 triệu thí sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT

Sáng nay 2-6, hơn 1 triệu thí sinh trong cả nước bước vào ngày thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp năm 2009 - 2010 với 2 môn thi ngữ văn và hóa học. Trước ngày thi, hôm qua 1-6, Bộ GD-ĐT đã tổ chức các đoàn kiểm tra cơ sở vật chất ở các hội đồng thi. Các địa phương cũng tổ chức kỹ khâu tập huấn nghiệp vụ coi thi, phổ biến rộng rãi đến thí sinh các quy chế trong kỳ thi tốt nghiệp.
Sáng 2-6, hơn 1 triệu thí sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT

(SGGP). – Sáng nay 2-6, hơn 1 triệu thí sinh trong cả nước bước vào ngày thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp năm 2009 - 2010 với 2 môn thi ngữ văn và hóa học. Trước ngày thi, hôm qua 1-6, Bộ GD-ĐT đã tổ chức các đoàn kiểm tra cơ sở vật chất ở các hội đồng thi. Các địa phương cũng tổ chức kỹ khâu tập huấn nghiệp vụ coi thi, phổ biến rộng rãi đến thí sinh các quy chế trong kỳ thi tốt nghiệp.

Lúc 5 giờ 30 sáng ngày 2-6, đề thi môn Văn và môn Hoá được niêm phong đánh số xe 32, có công an áp tải chở tới Trường THCS Hồng Bàng (quận 5) giao cho ông Đặng Văn Út - Chủ tịch Hội đồng coi thi THPT Hồng Bàng. Ảnh: Trần Thanh

Lúc 5 giờ 30 sáng ngày 2-6, đề thi môn Văn và môn Hoá được niêm phong đánh số xe 32, có công an áp tải chở tới Trường THCS Hồng Bàng (quận 5) giao cho ông Đặng Văn Út - Chủ tịch Hội đồng coi thi THPT Hồng Bàng. Ảnh: Trần Thanh

Trước đó, phòng ốc tại trường này đã được niêm phong, các dụng cụ gác và coi thi cũng được xếp ngay ngắn để phân phát cho các cán bộ coi thi

Trước đó, phòng ốc tại trường này đã được niêm phong, các dụng cụ gác và coi thi cũng được xếp ngay ngắn để phân phát cho các cán bộ coi thi

Rất nhiều thí sinh dù đã được thầy cô nhắc nhở chuẩn bị tâm lý, ôn bài kỹ nhưng vẫn hồi hộp chờ đợi trước khi bước vào phòng thi.

Rất nhiều thí sinh dù đã được thầy cô nhắc nhở chuẩn bị tâm lý, ôn bài kỹ nhưng vẫn hồi hộp chờ đợi trước khi bước vào phòng thi.

Năm nay cả nước có hơn 2.300 hội đồng coi thi, 44.152 phòng thi, hơn 128.600 cán bộ coi thi được huy động. Tại TPHCM, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 65.678 thí sinh hệ phổ thông và bổ túc thi tốt nghiệp tại 29 cụm thi với 2.447 phòng. Sở đã huy động 8.232 cán bộ, giáo viên coi thi, gần 1.000 cán bộ chấm thi; tăng cường hơn 300 thanh tra cắm chốt tại các hội đồng thi và thanh tra lưu động cho 108 hội đồng thi.

Ngày mai 3-6, buổi sáng thí sinh sẽ tiếp tục kỳ thi với môn địa lý và buổi chiều là môn lịch sử. Ngày 4-6, thí sinh sẽ thi môn toán vào buổi sáng và môn ngoại ngữ (hoặc thi môn thay thế vật lý) vào buổi chiều.

Chiều 1-6, hơn 83.000 thí sinh của Hà Nội đã nhận phòng thi, số báo danh và học quy chế thi, tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên thì có nhiều trường hợp thí sinh đến muộn.

Một phần nguyên nhân là do thời tiết quá nóng, phần khác do một số em chủ quan cho rằng đã đọc quy chế trên mạng Internet nên chỉ đến trường để biết địa điểm, phòng thi, số báo danh… Chưa kể, tại nhiều hội đồng thi xuất hiện trường hợp thí sinh bỏ về giữa chừng khi buổi phổ biến quy chế chưa kết thúc. Chính sự thờ ơ với việc tiếp nhận thông tin quy chế thi khiến một số hội đồng thi lo ngại.

Quy định về các vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi đã được dán tại cửa mỗi phòng thi. Các hội đồng thi đều tập trung lưu ý các thí sinh việc chuẩn bị bút, mực cũng như tuyệt đối không mang tài liệu, điện thoại di động vào phòng thi.

Đối với môn hóa học thi vào chiều mai, thí sinh không được mang bảng hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học, bảng tính tan các chất vào phòng thi. Khi nhận đề thi, các thí sinh phải kiểm soát kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với giám thị phòng thi, chậm nhất 15 phút sau khi phát đề.

Ngày 1-6, ông Trần Việt Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Sóc Trăng cho biết: “Ngành giáo dục tỉnh quyết định trích ngân sách hỗ trợ 60.000 đồng/học sinh trong 3 ngày thi tốt nghiệp THPT cho các em nghèo”. Các trường THPT có học sinh đi thi xa nhà được trường, giáo viên hỗ trợ đường đi, tìm chỗ ở, ăn uống, sinh hoạt trong những ngày tham gia kỳ thi.

Chiều cùng ngày, ông Lưu Thành Công, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long cho biết, Bộ GD-ĐT vừa chấp thuận xét đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2010 cho em Ngô Thái Hoàng Em (SN 1992, ngụ xã Chánh Hội, huyện Mang Thít), học sinh lớp 12 của Trường THPT Mang Thít (huyện Mang Thít) bị tai nạn, cụt 2 tay năm lớp 9. Do gia đình nghèo, từ nhỏ Hoàng Em thường xuyên phải đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Cuối năm lớp 9, để có tiền mua xe đạp đi học, Hoàng Em đi làm thuê cho một lò gạch ở huyện Mang Thít thì gặp phải tai nạn, bị cối gạch cuốn đứt 2 cánh tay (từ cùi chỏ). Dù bị cụt cả hai tay nhưng Hoàng Em vẫn quyết tâm đi học trở lại. Em đã phải miệt mài, kỳ công tập viết bằng chân trong suốt thời gian học cấp 3 ở Trường THPT Mang Thít. Thầy Võ Văn Bon, Hiệu trưởng Trường THPT Mang Thít, cho biết: “Trong 3 năm học (từ lớp 10 đến 12), học lực của Hoàng Em thuộc hạng trung bình khá”.

Theo tin từ Sở GD-ĐT Lâm Đồng, đến chiều ngày 1-6, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT của địa phương đã hoàn chỉnh. Để đảm bảo an toàn cho thí sinh dự thi, hội phụ huynh học sinh của các trường đã hợp đồng xe đưa đón, hỗ trợ kinh phí ăn ở cho thí sinh. Trong đó 2 trường THPT Phi Liêng (Đam Rông), THPT Đạ Sar (Lạc Dương) đã hỗ trợ gần 400.000 đồng cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tại huyện Đam Rông, các hộ dân ở gần trường THPT Đạ Tông cũng cho các thí sinh xa nhà ở nhờ trong suốt kỳ thi.

Tại Gia Lai, có 11.803 thí sinh đăng ký dự thi (trong đó có 564 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên, còn lại là hệ THPT). Tỉnh đã thành lập 32 hội đồng thi, được sắp xếp tại 497 phòng thi, tại 14 cụm thi. Một số thí sinh tự do không đăng ký thi lại năm nay đã chuyển sang học hệ trung cấp. Để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, Sở GD-ĐT đã điều động 1.248 giáo viên làm công tác thi.

Tại Đắc Lắc, mặc dù số HS giảm, nhưng số cụm thi và hội đồng thi lại tăng hơn năm trước (42 cụm thi và 57 hội đồng thi) để tạo thuận lợi cho HS không phải đi thi quá xa, mặt khác giúp các HS giảm sức ép về tâm lý khi được thi tại trường mình học. Sở GD-ĐT Đắc Lắc cũng đã chọn những trường có phòng học thoáng mát, đầy đủ ánh sáng, tường rào kiên cố làm địa điểm tổ chức kỳ thi.

Cũng như mọi năm, mặc dù đã cảnh báo khá gay gắt về nạn xoa đầu rùa và bia đá với tâm lý cầu may tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) mỗi khi vào mùa thi nhưng trong những ngày này, các sĩ tử cùng gia đình lại ùn ùn kéo về khu vực này. Mặc cho không khí nóng bức với cái nắng hầm hập ngoài trời, các sĩ tử không chỉ xoa một vài đầu rùa, bia đá tượng trưng mà nhiều người còn đi lần lượt xoa thật kỹ từng đầu rùa, từng tấm bia khiến các tấm bia đen bóng vì mồ hôi. Song đáng tiếc là không có một nhân viên nào của Trung tâm Văn Miếu nhắc nhở khiến cho 82 tấm bia liên tục bị “hành” cho tới tận khi trời ngả tối.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục