Sau năm 2015, đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông

Ngày 23-1, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và thực hiện Kết luận số 51-KL/TƯ Hội nghị lần thứ 6 BCH TƯ Đảng khóa XI. Một lần nữa, hàng loạt những tồn tại, yếu kém của ngành giáo dục lại được xới lên.

Ngày 23-1, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và thực hiện Kết luận số 51-KL/TƯ Hội nghị lần thứ 6 BCH TƯ Đảng khóa XI. Một lần nữa, hàng loạt những tồn tại, yếu kém của ngành giáo dục lại được xới lên.

Giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là yếu tố quyết định

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và kết luận của TƯ, ngành giáo dục tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ; chủ trì, phối hợp với các bộ ngành thực hiện đổi mới quản lý giáo dục. Theo đó, bộ sẽ thực hiện giao quyền tự chủ cho các trường đại học, hoàn thiện Đề án xây dựng chương trình và SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015; triển khai thực hiện Luật Giáo dục đại học với việc tập trung xây dựng tiêu chí phân tầng, xếp hạng đại học để làm cơ sở tập trung đầu tư hình thành một số trường đủ mạnh, có khả năng cạnh tranh với các trường đại học trong khu vực.

Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh giai đoạn này sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động giáo dục để xử lý nghiêm các sai phạm, công khai trước công luận. Củng cố, hoàn thiện hệ thống đào tạo giáo viên, hình thành đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ sức thực hiện đổi mới chương trình và SGK phổ thông sau năm 2015. Khắc phục cơ bản tiêu cực trong dạy thêm, thi cử, lạm thu và sử dụng các nguồn thu không đúng mục đích, tiêu cực trong đào tạo tại chức, liên kết với nước ngoài...

Hầu hết những mục tiêu này đều được các địa phương, các trường đồng tình, dù không ít ý kiến hoài nghi về tính khả thi của một số chỉ tiêu (ví dụ việc dạy học 2 buổi/ngày; chỉ tiêu phân luồng học sinh). Các ý kiến của các địa phương, trường ĐH-CĐ cũng nhấn mạnh, để thực hiện thành công chiến lược phát triển giáo dục, ngành giáo dục cần phải quyết liệt trong đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục, đặc biệt là cơ chế, chính sách đãi ngộ phải thỏa đáng cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vì đó là lực lượng nòng cốt quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục.

Chất lượng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục cũng là mối lo chung của các địa phương, vì thực tế cho thấy, dù đề ra bao nhiêu giải pháp mà yếu tố con người không được giải quyết thì  không thể mong có thành quả.

Bệnh thành tích khiến học sinh không trung thực?

Phân cấp quản lý trong giáo dục cũng là nội dung nhiều bức xúc. Thực tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115 về phân cấp quản lý trong giáo dục nhưng hầu hết các tỉnh thành đều cho rằng có rất nhiều vướng mắc, nhất là ở cấp quận huyện. Theo ông Lê Đăng Quý, Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên, nếu muốn để các cơ sở giáo dục được tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì phải triển khai lại, bởi việc phân cấp hiện nay rất bất cập, chưa đầy đủ, nhất là ở cấp huyện. Đây cũng là bức xúc của ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định: “Ngành giáo dục chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng giáo dục nhưng tiền không có, điều động cán bộ không phải thẩm quyền thì làm sao?”.

Hàng loạt các vấn đề khác đòi hỏi ngành giáo dục phải giải quyết trong thời gian tới cũng được các địa phương, trường ĐH-CĐ đặt ra như phải sắp xếp lại hệ thống các trường học, tiến hành phân luồng học sinh, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, hoàn tất kiên cố hóa trường lớp học... Đặc biệt, theo GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng, ngành giáo dục cũng cần phải thay đổi cách dạy và học. “Cách dạy hiện nay khiến học sinh Việt Nam ra đời không tự tin, không trung thực. Các cháu không trung thực chính từ sự dối trá của giáo viên ở trường, mà tất cả chỉ vì bệnh thành tích”, ông Nghị thẳng thắn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: “Sắp tới Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ phải cụ thể hóa ra, phải thực hiện theo Chiến lược phát triển nhân lực mà Chính phủ đã phê duyệt. Kết luận của TƯ đã nêu rõ, yếu kém của giáo dục là chưa tạo ra lợi thế cạnh tranh. Ngoài vấn đề cơ chế, địa lý thì vấn đề con người có yếu tố quan trọng. Nguồn nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động”. 

 
 

Ban hành Chỉ thị về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo 

Ngày 22-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc triển khai thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 29-10-2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

 
 
 

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục