Họa từ bê bối tham nhũng

Chính trường Israel một lần nữa dậy sóng khi chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu vướng vòng nghi vấn tham nhũng sau các cuộc điều tra tập trung vào những tội liên quan tới đạo đức, gian lận, rửa tiền và vi phạm an ninh… của Thủ tướng Netanyahu và nhiều quan chức cấp cao.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: REUTERS

Đài phát thanh và truyền hình Israel ngày 25-2 đưa tin, Thủ tướng Netanyahu sẽ bị cảnh sát thẩm vấn vào ngày 2-3 tới với tư cách là nghi phạm liên quan cáo buộc ông dành những ưu đãi cho công ty viễn thông Bezeq để đổi lấy việc truyền thông đưa tin tích cực về mình. Ngoài ra, ông Netanyahu cũng sẽ bị thẩm vấn với tư cách nhân chứng trong vụ tham nhũng liên quan việc Israel đặt mua 3 tàu ngầm từ hãng ThyssenKrupp của Đức. Trước đó, ngày 18-2, cảnh sát đã bắt giữ 2 phụ tá thân cận của Thủ tướng Netanyahu cùng 5 quan chức điều hành cấp cao của tập đoàn viễn thông Bezeq. Song song đó, cảnh sát cũng điều tra ông Netanyahu về các nghi ngờ xung quanh việc ông và gia đình đã nhận những món quà đắt tiền của nhà sản xuất phim Hollywood người Israel Arnon Milchan và tỷ phú người Australia James Packer. Tổng trị giá các món quà mà ông và gia đình đã nhận trong thời gian từ năm 2007-2016 lên tới 1 triệu shekel (283.000 USD).

Cảnh sát cũng điều tra các cáo buộc ông Netanyahu ký một thỏa thuận bí mật với chủ bút của tờ báo bán chạy nhất Israel Yediot Aharonot để báo này đưa tin có lợi cho ông. Cảnh sát tuyên bố có cơ sở để buộc tội Thủ tướng Netanyahu nhận hối lộ, gian lận và thâu tóm báo chí.

Các cuộc điều tra trên đã làm chao đảo chính trường Israel và làm dấy lên câu hỏi liệu ông Netanyahu (67 tuổi) và đang trong nhiệm kỳ thứ 4 - có phải từ chức hay không, sau hai cuộc điều tra tham nhũng trên. Từ đầu năm 2017 đến nay, ông Netanyahu đã bị cảnh sát thẩm vấn 7 lần. Tuy nhiên nhà lãnh đạo Israel cầm quyền gần 12 năm này đã phủ nhận mọi sai phạm.

Giới chuyên gia nhận định việc ông Netanyahu bị buộc rời khỏi quyền lực sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Trả lời phỏng vấn kênh Al Jazeera, chuyên gia nghiên cứu khoa học chính trị tại Đại học Hebrew ở Jerusalem, ông Yaron Ezrahi cho rằng Thủ tướng Netanyahu sẽ không thể nắm quyền lực lâu hơn nữa. Hoặc là Thủ tướng Netanyahu sẽ phải từ chức, hoặc là ông ấy sẽ bị lật đổ bởi một thế lực trong nội bộ đảng Likud hay liên minh cầm quyền. Việc công bố kết quả của những cuộc điều tra này có thể thúc đẩy các cuộc tấn công chính trị tiếp theo về dân chủ ở Israel. Với sự kiên trì của người dân, các phong trào phản đối Chính phủ và Thủ tướng Netanyahu tham nhũng có thể đạt được mục đích của nó là cách chức Thủ tướng và làm trong sạch nền chính trị của Israel.

Trong 20 năm trở lại đây, bê bối và điều tra hình sự có vẻ đã “trở nên phổ biến” trong đời sống chính trị Israel. Không ít quan chức chính phủ đã bị kết án và thậm chí là thi hành án phạt tù. Trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của mình vào thập niên 90 của thế kỷ trước, ông Netanyahu từng phải đối mặt với các vụ điều tra bê bối liên quan đến hối lộ. Với các vụ này, thì có vẻ như cảnh sát đã có đủ bằng chứng để dựng thành cáo trạng. Tuy nhiên, theo luật pháp Israel, thủ tướng đương nhiệm sẽ chưa cần phải từ chức nếu bị buộc tội. Thủ tướng chỉ phải từ chức nếu bị kết án và bản án vẫn được giữ nguyên sau khi đã kháng án.

Tin cùng chuyên mục