Hoài bão về một Triều Tiên thống nhất

Trong khi Hàn Quốc và Triều Tiên chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh vào ngày mai 27-4, nhiều người Hàn Quốc không dám mơ ước thống nhất, chỉ mong trước mắt là hòa bình vì đây là điều có thể dễ đạt được hơn trong lần đàm phán này.
Hoài bão về một Triều Tiên thống nhất

Nhưng thống nhất vẫn là ước mơ của hầu hết người dân 2 miền Triều Tiên. Theo AP, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành vào những năm 1980 từng mong ước một Triều Tiên thống nhất mang tên Cộng hòa Dân chủ Liên bang Koryo (Koryo là một vương quốc Triều Tiên cổ đại).

Ông Kim Nhật Thành muốn Triều Tiên theo mô hình của Hồng Công với Trung Quốc, một quốc gia thống nhất với 2 hệ thống chính quyền riêng biệt. Theo đó, miền Bắc và miền Nam tôn trọng ý thức hệ, hệ thống xã hội và quyền tự chủ của nhau. Cả hai bên sẽ có số lượng đại diện ngang nhau trong một hội đồng tối cao quốc gia với quyền và trách nhiệm bình đẳng. Nhà nước Triều Tiên này duy trì chính sách trung lập và độc lập, tránh liên minh quân sự với những nước khác.

Về phía Hàn Quốc, theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, mục tiêu trước tiên là phát triển mối quan hệ bền vững giữa 2 miền Triều Tiên và giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Seoul muốn có hiệp ước hòa bình vĩnh viễn với Bình Nhưỡng. Đây cũng là trọng tâm trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4 và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Sau thời kỳ chuyển tiếp, bước tiếp theo sẽ là hình thành một thị trường duy nhất trên bán đảo Triều Tiên “để tạo ra các động cơ tăng trưởng mới và tạo ra một cộng đồng kinh tế giữa 2 nước cùng tồn tại, cùng thịnh vượng”. Những điều cốt lõi của kế hoạch này từng được cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae-woo công bố vào tháng 9-1989.

Theo thăm dò của Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, 58% người dân Hàn Quốc ủng hộ thống nhất với Triều Tiên, giảm so với 70% vào năm 2014 nhưng vẫn là đa số. Nguyên nhân là do tình hình căng thẳng liên tục trên bán đảo Triều Tiên những năm qua làm giảm bớt sự tin tưởng của họ vào vấn đề thống nhất. Còn tại Triều Tiên, Ủy ban Quốc gia thống nhất hòa bình (có chức năng như Bộ Thống nhất Hàn Quốc) và các phương tiện truyền thông nhà nước đã đề cập đến từ “thống nhất” hơn 2.700 lần kể từ năm 2010, theo một phân tích của Reuters về các bài báo được đăng tải trên trang web của hãng thông tấn KCNA.

Trên thực tế, dân tộc Triều Tiên dù ở nơi đâu cũng mong muốn hòa bình. Đối với một số người, đặc biệt là giới trẻ ở Hàn Quốc, họ chưa từng nghĩ đến vấn đề này nhưng thông tin về cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in  làm họ thay đổi suy nghĩ. Anh Daniel Han, 37 tuổi, cho biết anh ủng hộ 2 miền Triều Tiên thống nhất vì những cơ hội lớn cho nền kinh tế tiềm năng của một nước Triều Tiên thống nhất.

Người Hàn Quốc lớn tuổi càng mong mỏi sự thống nhất, vì họ hoặc cha mẹ họ vẫn còn nhớ những kỷ niệm về Bắc và Nam khi còn là một nhà. Kênh truyền hình Channel News Asia trích lời cụ Kim Yong-cheol, 89 tuổi, cựu chiến binh Hàn Quốc, nói: “Chúng tôi là những người cùng giống nòi, cùng chung ngôn ngữ, chúng tôi nên thống nhất”.

Tin cùng chuyên mục