Học tập suốt đời

Họ từng là những cô giáo đứng lớp dạy bao thế hệ học trò, từng công tác trong ngành giáo dục và nay khi về hưu họ tiếp tục học tập, trao dồi kiến thức bằng lớp học ngoại ngữ tại gia.
Có được ý thức tự học này là vì các cô thấm nhuần tư tưởng học tập suốt đời của Bác, cũng như không muốn mình trở thành những người tụt hậu với con cháu ngày nay.
8 giờ 30 sáng thứ hai, tại căn nhà trong con hẻm đường Nguyễn Văn Đậu (phường 6, quận Bình Thạnh, TPHCM), tiếng đọc các từ, các câu tiếng Anh vang lên. Học trò là những người phụ nữ tuổi đã xế chiều, người nhỏ nhất tuổi cũng đã ngoài 60 và lớn nhất đã 75 tuổi. Trên “bục giảng” là cô giáo Nguyễn Thị Hà (29 tuổi, giảng viên Trường Đại học Sài Gòn) say sưa giảng bài… 
3 năm trước, trong lần quét sân nhà, cô Lê Minh Ngọc (Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TPHCM, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP) nhặt được tờ rơi giới thiệu gia sư dạy tiếng Anh. Sau 2 lần học ngoại ngữ tại các trung tâm bị thất bại, cô Ngọc quyết định nhờ gia sư đến nhà để học ngoại ngữ tại gia.
Thấy sự học tiến triển tốt, cô Ngọc rủ thêm các bạn già cùng học cho vui. Ban đầu chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu “biết chút ngoại ngữ” để không bị tụt hậu với con cháu và có “vốn liếng từ” trao đổi với người nước ngoài khi đi du lịch.
Học tập suốt đời ảnh 1 Buổi thảo luận tại lớp ngoại ngữ của những “học trò” cao tuổi
Vậy mà đến nay, buổi học ngoại ngữ sáng thứ hai hàng tuần đã như liều thuốc không thể thiếu với các cô giáo về hưu. Đây không chỉ là lớp học giúp các cô thêm kiến thức mà còn là “sân chơi tuổi già” để mọi người gắn bó, vui cười cùng nhau. 
Ngoài cô Ngọc là chủ nhà, các cô khác dù nhà ở các quận xa nhưng vẫn tham gia lớp học rất đều. Thậm chí, ai có việc đột xuất nghỉ học thì phải xin phép cô giáo.
“Ngoài học các chủ đề ở lớp, về nhà các cô phải chuẩn bị bài, học từ mới, tìm từ, câu và tham gia thảo luận nhóm, hầu hết các cô đều học rất nghiêm túc. Bản thân em học được rất nhiều về tinh thần học tập từ khi tham gia giảng bài cho các cô”, cô giáo Hà chia sẻ. 
“Sinh thời, Bác Hồ học tập trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Trong lúc bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước, không chỉ học trên tàu, lúc làm phụ bếp, khi rửa chén, Bác còn viết cả lên mu bàn tay để học. Chính nhờ đó mà Bác thông thạo nhiều ngoại ngữ. Vậy thì chúng tôi không có lý do gì để không tiếp tục sự học”, cô Ngọc bày tỏ. 
Ngoài học theo các chủ đề như du lịch, sở thích, ăn uống, đi chợ, trò chuyện ở sân bay…, cô giáo Hà còn giải đáp tất cả các thắc mắc của người học, nhờ đó lớp học càng sinh động và vốn từ của các cô ngày càng tăng lên. Niềm vui của “cô - trò” là cứ đến ngày 20-11, cô giáo Hà lại ôm những bó hoa tươi thắm đến tặng “học trò” để mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. 
Tham gia lớp học, nhìn cách các “học trò” cao tuổi mải mê học từng câu từ vựng, chia nhóm thảo luận về một chủ đề mới thấy tinh thần tự học là vô cùng quan trọng. Nếu xác định được sự học là nhiệm vụ, kiến thức thu nhận được quan trọng hơn bằng cấp thì người trẻ sẽ nâng cao tinh thần tự học, chứ không phải học để có bằng cấp hay đến lớp chỉ để điểm danh.

Khi được hỏi, trước đây là cô giáo, nay lại là “học trò”, các cô có gặp phải khó khăn, cô Dương Thị Trúc Bạch, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cười bảo: “Sự học là suốt đời và mỗi người đều có cái hay để ta học hỏi. Quan trọng là mình chịu tiếp nhận ra sao. Người già cũng cần học để nâng cao trình độ, giúp cuộc sống tốt hơn”. 


Tin cùng chuyên mục