TPHCM: Công tác xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả tích cực

Chiều 27-3, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2020-2025; tổng kết 15 năm thi hành Điều lệ Đảng (2011-2025).

Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.

3.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng

Báo cáo tại hội nghị về kết quả 5 năm công tác xây dựng Đảng, Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM Phạm Hồng Sơn cho biết, 5 năm qua, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức bởi tình hình kinh tế - xã hội trong nước và thế giới, cùng với sự ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn của Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành; kế thừa và phát huy những thành quả đạt được của các nhiệm kỳ trước; phát huy sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM, Ban Thường vụ Thành ủy đoàn kết, thống nhất, thể hiện quyết tâm chính trị cao, tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị; giữ vững nguyên tắc của Đảng, kỷ luật, kỷ cương, phát huy dân chủ, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; kiên trì, quyết liệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

2.jpg
Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM Phạm Hồng Sơn báo cáo kết quả 5 năm công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: VIỆT DŨNG

Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái đạt nhiều kết quả tích cực. Trên cơ sở các quy định của Đảng, nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đạt hiệu quả.

Chẳng hạn, việc công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng có chuyển biến tích cực; kịp thời công bố, công khai, thông tin báo chí về những vụ việc dư luận xã hội quan tâm, kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, phòng chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Công tác cải cách thủ tục hành chính phục vụ nhu cầu lợi ích, chính đáng của tổ chức, người dân tiếp tục được đẩy mạnh; thực hiện quy tắc ứng xử và chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức phát huy hiệu quả; bảo đảm xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.

Việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, quy định, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM đang theo dõi, chỉ đạo tiến độ, kết quả điều tra, xử lý đối với 10 vụ án và 17 vụ việc tham nhũng, kinh tế tiêu cực; trong đó, có 5 vụ án, 8 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Bên cạnh đó, việc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương có nhiều đổi mới, điều hành năng động, linh hoạt, thường xuyên bám sát tình hình thực tế đề ra các chủ trương, giải pháp phù hợp; quyết liệt trong cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao đạo đức công vụ.

Vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được nêu cao, huy động được sự đóng góp to lớn của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, kiều bào trong và ngoài nước cho thành phố.

Phát hiện và xử lý vi phạm vẫn là khâu yếu

Bên cạnh kết quả đạt được, đồng chí Phạm Hồng Sơn cũng nêu rõ những hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ TPHCM. Trong đó, một số cấp ủy chưa tập trung đúng mức cho công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống.

Việc tổ chức nghiên cứu, học tập nghị quyết của Đảng ở một số địa phương, đơn vị chưa thật sự nghiêm túc, hiệu quả chưa cao. Công tác đấu tranh phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái còn hạn chế, chưa có giải pháp hiệu quả, thiếu lực lượng nòng cốt đấu tranh; cách thức, phương pháp đấu tranh thiếu đồng bộ và chưa hiệu quả.

1.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng về một số nội dung trong công tác cán bộ còn chậm, công tác đánh giá cán bộ đối với một số trường hợp chưa sát với năng lực thực tiễn, việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình. Công tác cải cách thủ tục hành chính trong Đảng còn chậm.

Một số mô hình tổ chức cơ sở đảng chưa hoàn thiện, chưa thống nhất, đồng bộ. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng ở một số cấp ủy chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, thiếu trọng tâm, trọng điểm; phát hiện và xử lý vi phạm vẫn là khâu yếu; Việc phát hiện tham nhũng còn ít so với thực tế, nhất là tự phát hiện tham nhũng tại đơn vị.

Từ những hạn chế trên, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã chỉ rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và rút ra bài học kinh nghiệm để xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2025-2030. Trong đó, tiếp tục kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm các nguyên tắc hoạt động của Đảng; mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng.

Cùng với đó, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, cơ sở đảng và đảng viên, kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác dân vận, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Mặt khác, tập trung đánh giá, quy hoạch, bố trí đúng cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tập trung huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm và có tính đột phá; thường xuyên tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân và dựa vào dân để xây dựng Đảng.

Tin cùng chuyên mục