Nhờ bán đất, đột ngột trở thành triệu, tỷ phú

Nông dân ngoại thành đã làm gì, sống ra sao?

Nông dân ngoại thành đã làm gì, sống ra sao?

TPHCM có khoảng 120.000 ha đất nông nghiệp. Qua quá trình đô thị hóa, hàng chục ngàn hécta đã trở thành đất ở, đất chuyên dùng. Có những nơi như quận 9, hàng năm có khoảng 40% đất nông nghiệp bị “mất”. Nông dân “mất đất” thì “được tiền”, nhưng không phải người nào cũng sử dụng đồng tiền có từ chuyển nhượng đất một cách hiệu quả…

  • Bán đất: hai hệ quả trái ngược

Bác Mai Văn Thọ, nhà ở phường Linh Đông quận Thủ Đức, dẫn tôi đi quanh căn nhà khang trang vừa mới xây, cho biết từ trước đến giờ gia đình bác sống nhờ mảnh vườn. Những năm gần đây, môi trường thay đổi, thu nhập từ cây trồng bấp bênh, căn nhà đang ở lại xuống cấp, vì vậy khi có người hỏi mua đất, là bán. Bán 600m2 đất được khoảng 700 triệu đồng, bác Thọ dùng một phần để xây dựng lại căn nhà, số ít còn lại chia cho các con.

Nông dân ngoại thành đã làm gì, sống ra sao? ảnh 1
Nhiều nông dân hết đất và bắt đầu cuộc sống làm thuê. Ảnh: Đ.M.N.

Hoặc như, khu vườn của ông B. – hàng xóm của bác Thọ, rộng 2.500 m2 cũng đã được bán, còn gia đình ông thì sang quận 9, mua một căn nhà nhỏ để ở. Số vàng 50 cây có được từ bán đất, ông B. gửi ngân hàng để lấy lãi hàng tháng. Dạo quanh các phường Tam Bình, Hiệp Bình Chánh…, chúng tôi không quá khó khăn để biết ông A, ông B… bán bao nhiêu đất, bây giờ sống ra sao…

Phần lớn nông dân ở ngoại thành có nhiều đất, vì vậy việc cắt bán một phần để sửa sang nhà cửa, “chia của” cho con đã trở thành giải pháp phổ biến. Điều đáng nói là không phải ai cũng sử dụng tiền bán đất một cách hiệu quả hoặc có kế hoạch như ông Thọ, ông B.

Lần đầu tiên có trong tay số tiền quá lớn, nhiều người lúng túng trong việc lập kế hoạch chi tiêu, không ít sinh tật ăn chơi. Vì vậy chỉ sau một thời gian ngắn, đất mất, tiền đội nón ra đi, rồi người lâm vào cảnh phải làm thuê kiếm sống qua ngày, tệ hơn, nhiều người không còn cả nhà cửa. Một người dân ở phường Tam Bình cho biết, có người trong xóm bán đất nắm tiền tỷ trong tay nhưng đến nay phải đi cắt thuê rau muống kiếm từng đồng sống qua ngày.

Quán nhậu hát với nhau tên H. ở đường Trần Não quận 2, nhiều buổi tối người ta thấy hai phụ nữ tướng tá đậm chất “hai lúa” đến ăn nhậu, hát hò, nhảy múa. Hỏi ra mới biết hai bà mới bán đất có nhiều tiền nhưng chẳng biết làm gì nên đến đây… giải khuây. Ở đây người ta còn thường kể trường hợp bà M., có khu vườn rộng hàng ngàn mét vuông. Khi cơn sốt đất vào những năm 90, bà M. bán toàn bộ khu vườn của mình, có tiền nhưng không có kế hoạch làm ăn, nên chỉ vài năm sau… bà M. trở nên người không nhà.

  • Không dễ tư vấn chuyện “nhà người”?

Khi không còn đất để canh tác, cơ hội còn lại của nông dân là sử dụng tiền bán đất để làm ăn. Thực tế, khi không còn bám trụ với ruộng vườn, không còn làm cái việc mà họ có nhiều kinh nghiệm, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, phần đông nông dân rơi vào tình cảnh khó khăn. Một cán bộ UBND phường Long Thạnh Mỹ (quận 9) cho biết, vừa qua Khu Công nghệ cao TP có chủ trương tuyển dụng lao động trên địa bàn bị thu hồi đất để đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Trong số hồ sơ khoảng 300 bộ, chỉ có 30 hồ sơ đủ điều kiện đã tốt nghiệp THPT.

Và dự kiến, số lao động được đào tạo và tuyển dụng còn thấp hơn nữa. Ông Nguyễn Văn Dũng, cán bộ Phòng Kinh tế quận 9 cho biết, để giúp nông dân khi không còn đất có công ăn việc làm ổn định, quận mở một số chương trình tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, bò sữa, trồng cây nuôi cá cảnh… Nhờ vậy mà nhiều nông dân đã khá lên như hộ ông Ba Phép, Tư Hoa ở phường Long Thạnh Mỹ nhờ nuôi cá kiểng, chăn nuôi vịt,… mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng.

Một cán bộ phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) cho biết, trên địa bàn có những hộ dân bán đất rất nhiều tiền, nhưng lại không chịu lo làm ăn, chỉ tiêu xài hoang phí, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương không dám khuyên can. Đã xảy ra chuyện một cán bộ phường nọ bị mắng té tát khi nhắc nhở một hộ việc sử dụng tiền sau khi bán đất. Cũng vì lý do này mà nhiều người không dám nghĩ đến chuyện tư vấn cho người dân, trừ trường hợp được hỏi.

Nông dân bán đất, “mất đất” do bị thu hồi để thực hiện dự án đi về đâu, làm gì vẫn chưa có một cơ quan, tổ chức nào thống kê con số thật cụ thể. Nhưng chắc chắn một điều, không ít người trong số này rơi vào cuộc sống không ổn định so trước đó. Thành phố và chính quyền các quận huyện đã có những nỗ lực nhằm ổn định đời sống người dân khi không còn đất để sản xuất, nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế. Hơn ai hết, mỗi nông dân phải có kế hoạch riêng cho mình khi có tiền, nhờ bán đất…  

ĐỖ TRÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục