Những DN liên tiếp để dư lượng kháng sinh trong thủy sản

Có thể bị tạm ngưng xuất hàng qua Nhật

- Ông TRẦN THIỆN HẢI

Ghi nhận những nỗ lực phía Việt Nam khi giảm tỷ lệ hàng thủy sản (TS) có dư lượng kháng sinh từ 4,6% (6 tháng cuối năm 2006) còn 1,6% (6 tháng đầu năm 2007), nhưng do tiếp tục phát hiện vi phạm, nên trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Thủy sản VN, Đại sứ Nhật Bản (NB) Norio Hattori nhấn mạnh, nếu không sớm loại bỏ tận gốc những vi phạm, NB phải xem xét biện pháp cấm nhập khẩu TS VN. Do đó, doanh nghiệp (DN) và nhà quản lý cần quyết tâm chấn chỉnh, giữ bằng được 1 trong 3 thị trường chính của TS VN...

- Ông TRẦN THIỆN HẢI, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Minh Hải: Hiệp hội Chế biến xuất khẩu Thủy sản (VASEP) xác định, chất kháng sinh bị phát hiện nhiều nhất là CAP (Chloramphenicol) và nhóm hàng bị nhiễm nhiều nhất là tôm PUD (gồm tôm nhỏ), các loại seafoodmix (sử dụng tôm PUD và các mặt hàng từ biển như mực ống, mực nang)...

Nguyên nhân nhiễm CAP chủ yếu là do việc bảo quản nguyên liệu trong quá trình khai thác. Các lô nhiễm AOZ, khả năng từ tôm sú nhỏ bị nhiễm trong quá trình trị bệnh tôm tại ao (không loại trừ khả năng người nuôi sử dụng AOZ thay thế CAP) và các loại tôm (thẻ chân trắng, tôm sú) nhập khẩu. Vì vậy, mỗi DN hết sức thận trọng và kiểm tra kỹ khi nhập khẩu nguyên liệu về chế biến.

Với vùng nuôi và khai thác, tự thân DN kiểm soát thật chặt từ khâu mua, vận chuyển, chế biến và đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh; trước khi xuất khẩu các lô hàng phải tự kiểm tra kháng sinh. Cần hỗ trợ và cùng địa phương làm tốt việc vận động người nuôi, ngư dân, vựa… không sử dụng hóa chất cấm. Cục Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thú y thủy sản (NAFIQAVED) nên dành kinh phí và tăng cường tập trung kiểm tra nguyên liệu tại các cơ sở bảo quản, bến bãi, đại lý thu mua nguyên liệu thủy sản.

- Ông NGUYỄN HỮU DŨNG, Phó Chủ tịch Thường trực VASEP: Việc phải làm ngay là kiểm soát dư lượng kháng sinh (chủ yếu là CAP, AOZ) tất cả lô hàng xuất khẩu vào NB của những DN chưa kiểm soát được tình hình; tạm ngưng xuất khẩu đối với DN có nhiều lô hàng liên tiếp bị phát hiện, DN phải giải trình chi tiết nguyên nhân và có biện pháp khắc phục. Thời gian tạm ngưng có thể 1-6 tháng. Tuyên truyền sâu rộng đến những người có liên quan từ sản xuất, khai thác nguyên liệu đến bảo quản, chế biến, cần kiên quyết xử lý cá nhân, cơ sở cố tình sử dụng kháng sinh cấm.

- Ông NGUYỄN HỮU THANH, Giám đốc Công ty TNHH Vietfoods (TPHCM): Không DN nào lại sử dụng những chất cấm này trong quá trình chế biến, nhưng khi xuất sang NB vẫn bị phát hiện, và phần lớn rơi vào mặt hàng PUD, seafoodmix… Khi chưa kiểm soát được hiệu quả nguồn nguyên liệu, biện pháp đầu tiên là cần tạm ngưng xuất khẩu những mặt hàng nhiều nguy cơ qua NB, tìm thị trường khác thay thế, tránh không để lập lại các vi phạm. Do hầu hết mặt hàng đã bị NB kiểm tra 100%, nếu tiếp tục bị phát hiện sẽ bị cấm xuất. Lúc đó, không chỉ là tai họa đối với bản thân DN mà còn ảnh hưởng đến uy tín mặt hàng thủy sản VN.

- Ông NGÔ VĂN NGA, Tổng Giám đốc Công ty TNHH XKTS Quốc Việt (Cà Mau): Nguồn gốc kháng sinh còn xuất phát từ các cơ sở cung cấp nguyên liệu tôm bóc nõn xuất hiện hàng loạt tại Cà Mau. Những cơ sở này vì chạy theo lợi nhuận, không chú ý đến yêu cầu vệ sinh như công nhân không mang găng tay, không đeo khẩu trang, nhà máy không có hệ thống nước thải. Đó là “ổ chứa” vi sinh và các chất kháng sinh. Khi thiếu nguyên liệu, các DN phải mua từ những cơ sở này, thử hỏi làm sao không “dính”.

Vì vậy, đồng quan điểm với việc hạn chế xuất khẩu những mặt hàng có nguy cơ cao vào NB, điều cần làm là tự thân DN làm tốt các khâu trong điều kiện có thể, như công nhân trước khi vào ca đều được xem xét kỹ sức khỏe, không để tay bị đứt, trầy sướt làm việc, toàn bộ phải đeo găng tay. Tuy nhiên, cốt lõi vẫn là khâu nguyên liệu. Vì vậy, Bộ TS cũng như địa phương cần phối hợp để chấn chỉnh những cơ sở này đi vào nề nếp, nếu không phải ngưng hoạt động.

Công Phiên

Miền Trung: Chưa phát hiện dư lượng kháng sinh trong tôm

Đó là lời khẳng định của ông Đinh Thành Phương, Giám đốc Trung tâm Chất lượng - An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản vùng 2 (Đà Nẵng), với PV Báo SGGP trong chiều 4-7. Ông cho biết: Kết quả kiểm tra dư lượng các chất độc hại trong tôm được thực hiện vào tháng 5-2007 tại tất cả địa phương ở miền Trung từ Quảng Bình cho đến Bình Định, cho thấy không mẫu tôm nào có dư lượng kháng sinh cũng như dư lượng các chất độc hại khác. Đây là nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản các địa phương với người nuôi tôm; người nuôi tôm cũng lường trước được hậu quả của việc dư lượng kháng sinh trong tôm thành phẩm nên không cho tôm ăn các loại thức ăn có chứa kháng sinh. Trong khi đó, các DN thu mua, chế biến xuất khẩu tôm trên địa bàn cũng đã thực hiện nghiêm ngặt công tác kiểm tra đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Bên cạnh đó, trung tâm cũng đã kiểm tra rất kỹ sản phẩm trước khi cho phép xuất khẩu.

NG. H.

Tin cùng chuyên mục