Viết tiếp loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT” - Kiểm tra xử lý: bất cập hay tiêu cực?

“Kiểm” hay “đếm”?
Viết tiếp loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT” - Kiểm tra xử lý: bất cập hay tiêu cực?

Sau loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT”, tất cả những người có trách nhiệm của các cơ quan chức năng từ Bộ Tài chính, Cục Thuế TPHCM, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đều thừa nhận có hành vi gian lận thương mại, trốn thuế với số lượng lớn. Thế nhưng, qua việc kiểm tra, xử lý thật bất ngờ…

Một cửa hàng bán máy tính thông báo cho khách hàng về thuế VAT trước cổng vào. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Một cửa hàng bán máy tính thông báo cho khách hàng về thuế VAT trước cổng vào. Ảnh: ĐỨC TRÍ

“Kiểm” hay “đếm”?

Các đội liên ngành của UBND TPHCM gồm thuế và quản lý thị trường đã ra quân rầm rộ từ vài tuần qua, dư luận đang từng ngày trông chờ kết quả kiểm tra, nhưng phải… “một tháng sau mới có!” - ông Nguyễn Thế Thông, Chi cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết.

Khi theo chân đoàn kiểm tra mới thấy đủ cái khó! Người kiểm kêu khó, doanh nghiệp (DN) kêu khổ, cộng thêm các kiểu đối phó. Rất chuyên nghiệp, đúng 9 giờ, tất cả các đoàn kiểm tra (có đội ngũ tăng cường từ các huyện về) cùng đồng loạt ập vào các cửa hàng mà báo nêu.

Tôi có mặt tại điểm 277B Cách Mạng Tháng Tám (Trung tâm điện máy Thiên Hòa). Đoàn kiểm tra kéo vào, nhưng rồi phải chờ người có trách nhiệm nghe đọc quyết định kiểm tra, nhưng nhân viên ở đây nói “Giám đốc đi công tác xa”.

Vậy mà chỉ vài giờ sau, có ngay giấy ủy quyền của giám đốc, nhưng giấy được… ký trước 1 ngày, mà căn cứ để ủy quyền là quyết định kiểm tra (nhưng quyết định này được ký trong ngày kiểm tra)! Và sau đó, giám đốc “đi công tác xa” đã ký một giấy ủy quyền mới, đúng ngay ngày kiểm tra.

Về phía đoàn kiểm tra, nói là “kiểm” nhưng thật ra chỉ là “đếm” có bao nhiêu máy hiệu này, mấy máy hiệu kia… Còn việc so số se-ri mã hàng, hóa đơn chứng từ thì không được đề cập, vì không có thời gian! Một số cán bộ khác vào phòng kế toán kiểm tra hồ sơ thì mới biết, trụ sở công ty được đăng ký trong giấy đăng ký kinh doanh là ở địa chỉ này nhưng văn phòng công ty lại nằm chỗ khác, vì vậy “máy chủ” cũng nằm ở nơi khác.

Dù cán bộ kiểm tra có tháo CPU máy tính của cửa hàng giữ lại cũng không kiểm tra được gì, vì dữ liệu lưu ở máy chủ. Đoàn đành phải yêu cầu in dữ liệu. Và lại phải chờ nhân viên gọi về văn phòng mới in được. Nhưng rồi hết kẹt giấy đến máy in hư (dù nơi đó là trung tâm điện máy, bán máy tính!) nên đến mấy tiếng đồng hồ sau, cán bộ mới có được file dữ liệu, nhưng file đó chẳng khác mấy so với file đã… báo cáo thuế!

Rồi “cái khó” khác là công ty có nhiều cửa hàng, mà đoàn chỉ kiểm tra vài cửa hàng và thậm chí không biết kho hàng nằm ở đâu nên không thể kiểm theo báo cáo của công ty, không thể kiểm theo hóa đơn hàng hóa. Vì thế, cuối cùng việc kiểm tra rầm rộ đó chỉ là đếm lại hàng hóa giúp DN, sau đó DN cung cấp hóa đơn đầu vào, trừ hóa đơn đầu ra xem số liệu hàng tồn có khớp với con số đã đếm được không.

Còn việc so mã hàng tồn có khớp với hóa đơn không thì kế toán công ty nói, nhiều loại hàng tồn từ ngày mới thành lập công ty (tức gần chục năm trước) nên không thể lục toàn bộ kho hồ sơ dự trữ cung cấp cho đoàn kiểm tra. Thế là mọi người cùng rơi vào đám rừng hóa đơn, chứng từ... Dù chỉ kiểm tra nhưng cũng đến… một tháng mới có kết quả?!

Cơ quan chức năng: kêu khó, kể khổ!

Hàng gian, hàng giả, hàng không hóa đơn chứng từ không thể nào tìm thấy khi mà cách kiểm tra chỉ là đếm hàng hóa như thế. Trong khi đó, hàng hóa trên thị trường là vô cùng phức tạp.

Việc kiểm kho chỉ phát hiện một số hàng không dán nhãn xuất xứ hàng hóa; một số ti vi LCD hiệu Sharp nằm trong kho thì bao bì là “made in Malaysia” nhưng lại được dán chồng lớp giấy mỏng ghi “made in Việt Nam”, tháo ra bên trong thì phải soi đèn pin mới thấy được chữ “made in Việt Nam” nhỏ xíu phía sau.

Vì vậy, chúng tôi cũng loạn với nhãn mác, không biết đâu là thật, đâu là giả. Mà theo cơ quan quản lý thị trường, muốn kiểm tra chất lượng sản phẩm thì phải chuyên gia của chính nhãn hiệu đó mới biết được.

Việc mua bán hóa đơn hiện nay diễn ra rầm rộ, đầu vào hợp pháp hóa cũng không khó, trong khi đầu ra vẫn cứ bỏ ngỏ, nhiều nơi đối phó để không phải xuất hóa đơn khi bán hàng. Hàng hóa của công ty thì rải khắp các cửa hàng, kho hàng thì chẳng biết nằm ở đâu, vì luật không buộc DN phải đăng ký địa điểm kho hàng, nên cán bộ phát hiện được kho hàng thì DN này nói là thuê chung kho, hàng bên kia là của công ty khác, mà công ty đó nằm ở đâu không biết...

Và thậm chí như luật buộc đăng ký địa điểm kinh doanh nhưng DN lại đăng ký trụ sở một nơi, văn phòng một nơi cũng chẳng có cơ chế điều chỉnh.

Tôi hỏi một cán bộ quản lý thị trường “Vì sao không canh, theo chân xe chở hàng để tìm ra kho hàng?” - “Công tác phí của tụi em mỗi ngày chỉ… 20.000 đồng, sức đâu mà điều tra chị ơi!”, câu trả lời quen thuộc.

Bởi vậy, dù nhìn các báo cáo thuế và nhìn vào hoạt động kinh doanh rầm rộ (như Phan Khang hiện đang khuyến mãi giảm giá 50% - 70%) thì ai cũng thấy bất hợp lý, nhưng hoạt động kiểm tra của các cơ quan chức năng lại như thế - chỉ là kiểm đếm hàng hóa. Đó là lý do nhiều công ty cứ khai thuế âm nhưng vẫn tồn tại và phát triển.

Chẳng hạn, Công ty TNHH TM DV Thiên Nam Hòa (277B Cách Mạng Tháng Tám), tháng 1-2009, phải nộp 503 triệu đồng; tháng 2 phải nộp 216 triệu đồng, nhưng đến tháng 3, chuyển sang âm 383 triệu đồng; tháng 4 âm tiếp 1 tỷ đồng (tổng cộng là 1,4 tỷ đồng); tháng 5 âm tiếp 728 triệu (tổng cộng âm 2,1 tỷ đồng)...

Công ty TNHH Tân Thịnh An – Trung tâm Điện máy Ideas (133-141A, B Cách Mạng Tháng Tám) cũng thế, tháng 12-2008, số thuế VAT âm trước chuyển sang là 4,4 tỷ đồng và trong tháng phát sinh âm thêm 880 triệu đồng; tháng 1-2009, dù dương 452 triệu đồng nhưng không phải nộp vì số âm trước còn 5,3 tỷ đồng; tháng 2 âm thêm 516 triệu đồng (tổng cộng âm 5,3 tỷ đồng); tháng 3 âm thêm 191 triệu đồng (tổng cộng âm 5,5 tỷ đồng); tháng 4, âm tiếp 743 triệu đồng (tổng âm là 6,3 tỷ đồng); tháng 5 dù dương 512 triệu đồng (nhưng không phải nộp vì cấn trừ kỳ trước); tháng 6 tiếp tục âm 236 triệu đồng, như vậy đến cuối tháng 6-2009, VAT âm khoảng 6 tỷ đồng…

Hàn Ni

LTS: Sau những thông tin mà Báo SGGP đã phản ánh về tình trạng các doanh nghiệp trốn thuế VAT, chúng tôi đã nhận được rất nhiều thư, tin nhắn, điện thoại của bạn đọc. Xin trích đăng một số ý kiến trong số này.

  • Bà Nguyễn Thị Hồng (Q.10, TPHCM): Thiếu cán bộ hay thiếu trách nhiệm?

Đọc báo thấy lãnh đạo các cơ quan chức năng luôn lấy lý do “thiếu cán bộ” để biện hộ cho việc hàng loạt cửa hàng vi phạm trên địa bàn TP mà không thấy nhìn nhận trách nhiệm của mình khi để vi phạm xảy ra, khiến chúng tôi vô cùng bức xúc.

Thử đặt vấn đề, tại sao thiếu cán bộ mà lại không ưu tiên kiểm tra, xử lý những đơn vị lớn, những cửa hàng “chốp bu” của TP? Những nơi này mỗi ngày tung ra thị trường hàng triệu mặt hàng, trong khi đó người tiêu dùng mù mờ, không biết rõ được chất lượng hàng hóa. Khi mà cán bộ quản lý nhà nước không làm hết trách nhiệm, bỏ rơi người tiêu dùng trong thời gian qua; khi mà chính những DN lớn, bán hàng số lượng nhiều, được người dân tin tưởng lại đi trốn thuế của nhà nước, vậy người tiêu dùng biết tin ai?

Theo tôi, kết quả kiểm tra vẫn chưa phản ánh được sự thật về chất lượng các loại hàng trôi nổi, việc xử lý chưa triệt để. Tôi nghĩ, cán bộ nên nhìn nhận lại trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền lợi người dân.

  • Trịnh Dần (Biên Hòa, Đồng Nai): Cần sự phối hợp 3 ngành: thuế, hải quan, quản lý thị trường

Theo chúng tôi được biết, không ít hàng gian, hàng giả được giả từ nước ngoài, sau đó chuyển TP, tung ra thị trường. Do vậy, để chống hàng gian, hàng giả, theo tôi cần có sự phối hợp của cả 3 ngành: hải quan kiểm tra chặt đường xuất nhập khẩu, quản lý thị trường quản lý kho hàng, nơi bán hàng hóa và thuế phải thường xuyên kiểm tra sổ sách kế toán, xử lý thật nghiêm những nơi bán hàng không xuất hóa đơn, thực hiện 2 sổ sách kế toán để trốn thuế.

  • Nguyễn Văn Thành (Q.10, TPHCM): Phải chọn mặt gởi vàng…

Tôi thật sự thất vọng khi những trung tâm lớn của TP lại vi phạm pháp luật. Qua phân tích của báo chí, tôi hiểu, việc bán hàng không xuất hóa đơn không chỉ là điều kiện để DN trốn thuế mà còn dẫn đến hệ quả là tuồn hàng lậu ra thị trường, điều đó gây bất bình đẳng trong kinh doanh. DN thực hiện nghiêm pháp luật thì lại bị thiệt thòi.

 Một khi DN vi phạm pháp luật thì tôi không thể tin rằng họ có thể đàng hoàng trong kinh doanh, nên người dân cần lấy việc vi phạm pháp luật của DN để làm thước đo đạo đức kinh doanh của DN. Đã đến lúc người dân cần tự bảo vệ mình, “chọn mặt gởi vàng” khi mua hàng hóa. Cụ thể là cần phản ứng với cái sai, “tẩy chay” những DN vi phạm pháp luật.

Nhóm PVKT

Thông tin liên quan

- Từ loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT”: Tổng cục Thuế nghiêm túc tiếp thu

- Bộ Tài chính xác định: Trốn thuế ở mức độ khá lớn

- Từ loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT”: “Mổ xẻ” kỹ để tăng thu ngân sách

- Phản hồi loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT”, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Đình Tấn: Kiểm tra và xử lý ngay các vi phạm

- Bài 1: Hàng chục tỷ đồng mỗi ngày đi về đâu? 

- Bài 2: “Xơi” thuế của nhà nước bằng cách nào?

- Bài 3: Chưa xử: do bất cập hay tiêu cực?

Tin cùng chuyên mục