Khuyến khích phát triển thương mại điện tử

Thủ tướng vừa phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) từ nay đến năm 2015 nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để làm được điều đó, Nhà nước sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TMĐT, phát triển nguồn nhân lực, cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển và ứng dụng công nghệ, dịch vụ TMĐT…

Thủ tướng vừa phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) từ nay đến năm 2015 nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để làm được điều đó, Nhà nước sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TMĐT, phát triển nguồn nhân lực, cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển và ứng dụng công nghệ, dịch vụ TMĐT…

Theo đó, mục tiêu phải đạt được từ nay đến năm 2015 là: 100% số DN lớn sử dụng thường xuyên thư điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh; 80% số DN có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm; 70% số DN tham gia các trang thông tin điện tử bán hàng (website TMĐT); 5% số DN tham gia các mạng TMĐT theo mô hình trao đổi chứng từ điện tử dựa trên chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử; 20% số DN ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh.

Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ xây dựng một số sở giao dịch hàng hóa trực tuyến đối với những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chiếm tỷ trọng cao trên thị trường thế giới.
 
Các DN nhỏ và vừa sẽ tiến hành giao dịch TMĐT với người tiêu dùng, trong đó: 100% số DN sử dụng thư điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh; 45% số DN có trang thông tin điện tử, cập nhật định kỳ; 30% số DN tham gia các website TMĐT để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Bước đầu sẽ hình thành các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia TMĐT để đạt 70% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 50% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ của các gia đình qua phương tiện điện tử; 30% cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ như vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch phát triển các kênh giao dịch điện tử phục vụ người tiêu dùng.

Về dịch vụ công, sẽ thực hiện cung cấp trực tuyến các dịch vụ thủ tục hải quan điện tử trước năm 2013; các dịch vụ liên quan tới thuế, bao gồm khai nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân trước năm 2013; các thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện…

H.NI

Tin cùng chuyên mục