Từ lắp ráp sang buôn xe

Ngày 24-5, trên 50 doanh nghiệp (DN) kinh doanh ô tô nhập khẩu đồng loạt ký đơn phản đối Thông tư 20 của Bộ Công thương (ban hành ngày 12-5-2011, có hiệu lực từ ngày 26-6-2011) quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, chưa qua sử dụng.

Theo các DN này, với những quy định mới trong thông tư, họ sẽ hết “đường sống”. Lý do, Thông tư 20 quy định DN, thương nhân nhập khẩu ô tô loại dưới 9 chỗ ngồi khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành phải nộp bổ sung 1 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân đối với giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó, đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật.

Như vậy, đối với các giấy tờ làm thủ tục nhập khẩu ô tô (theo quy định mới của Bộ Công thương), doanh nghiệp nhập khẩu tự do không thể có được. Giấy ủy quyền này phải do cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài chứng nhận và thường chỉ các liên doanh sản xuất lắp ráp ô tô trong nước mới được cấp.

Mặc dù Bộ Công thương khẳng định, việc ban hành Thông tư 20 nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ trong nước, nhưng nếu nhìn lại quá trình ra đời và phát triển của các liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ thấy, thông tư này nằm trong lộ trình đã được định sẵn của các “đại gia” xe hơi thế giới khi tìm đến Việt Nam.

Hầu hết các liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô khi mới ra đời đều được hưởng rất nhiều ưu đãi từ thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu... Đáp lại, hầu hết các liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô đều cam kết tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 30%-40% trong vòng 10 năm. 7 năm sau khi những liên doanh đầu tiên ra đời, cuối năm 2002 Chính phủ mới phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 với những chỉ tiêu cụ thể: loại xe phổ thông đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2010; loại xe cao cấp do các liên doanh sản xuất phải đạt tỷ lệ nội địa hóa 40%-45% vào năm 2010...

Tuy nhiên, đến nay, sau gần 20 năm các liên doanh ra đời và gần 10 năm kể từ khi Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 ra đời, đến nay ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã mang lại điều gì cho người tiêu dùng khi mà họ vẫn phải mua xe lắp ráp trong nước với giá cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Trong suốt nhiều năm qua, các chuyên gia kinh tế liên tục cảnh báo, các liên doanh sẽ trở thành những “DN đi buôn”. Nguyên nhân, theo lộ trình giảm thuế khi gia nhập WTO, thuế suất xe nhập khẩu giảm mạnh vào 2015. Khi đó, do rời “bầu sữa” bảo hộ của chính phủ, ắt dần thu hẹp sản xuất, nên các liên doanh này đã dự tính chuyển sang “buôn” xe - dĩ nhiên, họ sẽ tìm kiếm sự bảo hộ của chính phủ dưới một hình thức khác. Thực tế cho thấy, dường như sự bảo hộ mới đã thể hiện trong Thông tư 20.

Về phía các DN kinh doanh xe nhập khẩu trong nước, khi mốc 2015 gần kề, họ chưa kịp mừng vì sắp được cạnh tranh sòng phẳng với những liên doanh, Thông tư 20 đã dập tắt bao kỳ vọng khi khá ưu ái cho các liên doanh. Như vậy, từ chỗ đang chờ đợi được đối xử bình đẳng, nay các DN kinh doanh xe nhập khẩu lại đứng trước nguy cơ phá sản.

Chiếm được thị phần trong nước, sau thời gian dài hưởng đủ các loại hình ưu đãi, nay các liên doanh lắp ráp sản xuất xe trong nước lại tiếp tục được ưu đãi đúng như các chuyên gia kinh tế đã dự báo. Nói theo giọng dân gian là họ đã đi “đúng bài”, còn DN trong nước tiếp tục tự bươn chải, tìm đường sống...!

Chiến Dũng

Tin cùng chuyên mục