Thiếu “nhạc trưởng”

Thiếu “nhạc trưởng”

Đã nhiều năm qua, hàng chục hội thảo, hội nghị từ cấp tỉnh đến quốc tế được tổ chức để tìm hướng đi cho cả dải miền Trung phát triển du lịch một cách bền vững. Thế nhưng, du lịch ở mảnh đất “nhiều tiềm năng, lắm di sản” này vẫn gập ghềnh trên con đường phát triển.

Cách đây hơn 10 năm, tỉnh Quảng Nam đi tìm cho mình một sản phẩm du lịch đặc thù để thu hút du khách. Trong nỗ lực đó, ngành du lịch Quảng Nam chọn cho riêng mình một sản phẩm du lịch đó là lễ hội. Từ đó, Quảng Nam đã xây dựng sản phẩm du lịch của tỉnh nhà bằng “Lễ hội Hành trình di sản, Quảng Nam - một điểm đến hai di sản”.

Cũng như Quảng Nam, Huế xây dựng sản phẩm bằng các kỳ festival. Nhưng, cũng chỉ trong một thời gian ngắn, lễ hội “đuối sức” và kém hấp dẫn, du khách cũng hết mặn mà với lễ hội, với festival. Trong khi đó, TP Đà Nẵng tạo cho mình những sản phẩm du lịch “đặc thù” bằng cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, thi dù bay quốc tế ven biển… Nhờ đó, Đà Nẵng vẫn thu hút một lượng lớn du khách trong nhiều năm qua. Tuy nhiên cũng chưa biết các sản phẩm du lịch của Đà Nẵng có tiếp tục phát huy?

Thi dù bay quốc tế, một sản phẩm du lịch mới của Đà Nẵng.

Thi dù bay quốc tế, một sản phẩm du lịch mới của Đà Nẵng.

Đã nhiều năm qua, hàng loạt “chiến dịch” được ngành du lịch đưa ra nhằm tạo “cú hích” cho du lịch miền Trung phát triển, trong đó “Con đường di sản miền Trung” do Tổng cục Du lịch tổ chức nhằm kết nối các di sản thế giới tại miền Trung như: Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Cố đô Huế với 2 di sản là quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế, Di tích Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An (Quảng Nam). Bên cạnh đó, trước những đòi hỏi cấp thiết của ngành du lịch trong thời hội nhập, 3 tỉnh thành Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế đã hợp tác liên kết du lịch nhằm cùng quảng bá xúc tiến du lịch địa phương cũng như hỗ trợ nhau trong phát triển bền vững ngành du lịch. Năm 2011, ngành du lịch 7 tỉnh thành miền Trung từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa xây dựng chương trình liên kết du lịch 7 tỉnh miền Trung. Thế nhưng, mặc dù đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều lần các tỉnh miền Trung ngồi lại với nhau với mong muốn liên kết cùng phát triển ngành du lịch miền Trung với nhiều tiềm năng, nhiều di sản thế giới,… nhưng cuối cùng du lịch miền Trung vẫn phát triển một cách manh mún, rời rạc và thiếu đồng bộ.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam, nhận xét: “Quảng Nam - Đà Nẵng - Huế nói là liên kết du lịch nhưng khi quảng bá ra bên ngoài đến cái pa nô cũng làm riêng, mạnh ai nấy làm. Trong thời điểm khó khăn, tại các điểm đến du lịch, thay vì các doanh nghiệp, các hãng lữ hành tăng chất lượng dịch vụ để thu hút khách thì họ lại giảm giá. Vì giảm giá nên chất lượng dịch vụ giảm, thế là ảnh hưởng đến hình ảnh của điểm đến đó, ảnh hưởng đến hình ảnh chung của tỉnh, của quốc gia”.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự rời rạc liên kết du lịch miền Trung đó là thiếu một nhạc trưởng, thiếu một người chỉ huy thực sự. Vì du lịch là ngành kinh tế đa ngành, hoạt động không biên giới nên nếu không liên kết thì không thể phát triển được... 

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục