Lễ ký kết Hiệp định Paris: Dấu mốc trong nỗ lực bảo vệ Trái đất

Sáng 22-4 (giờ địa phương), đúng vào Ngày Trái đất, tại trụ sở Liên hiệp quốc (LHQ) ở thành phố New York (Mỹ) đã diễn ra lễ ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Sự kiện này quy tụ 171 đại diện các chính phủ trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 60 nguyên thủ quốc gia. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà đại diện cho Việt Nam tham dự lễ ký kết văn kiện này. Mỹ và Trung Quốc, 2 quốc gia có tổng lượng khí thải chiếm gần 40% lượng khí thải toàn cầu cũng đã ký hiệp định.Nắng đốt…
Lễ ký kết Hiệp định Paris: Dấu mốc trong nỗ lực bảo vệ Trái đất

Sáng 22-4 (giờ địa phương), đúng vào Ngày Trái đất, tại trụ sở Liên hiệp quốc (LHQ) ở thành phố New York (Mỹ) đã diễn ra lễ ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Sự kiện này quy tụ 171 đại diện các chính phủ trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 60 nguyên thủ quốc gia. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà đại diện cho Việt Nam tham dự lễ ký kết văn kiện này. Mỹ và Trung Quốc, 2 quốc gia có tổng lượng khí thải chiếm gần 40% lượng khí thải toàn cầu cũng đã ký hiệp định.

Nắng đốt…

Phát biểu khai mạc lễ ký kết, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định, Hiệp định Paris là “thời khắc lịch sử”, bước ngoặt cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và là cách thức duy nhất để chúng ta cứu Trái đất. Lễ ký kết được đánh giá là một sự kiện đáng nhớ của ngành ngoại giao quốc tế, bởi chưa bao giờ quy tụ được cùng lúc nhiều quốc gia ký kết một hiệp định chỉ trong vòng một ngày như vậy. Kỷ lục trước đó được lập vào năm 1994, khi 119 quốc gia cùng ký kết hiệp ước thi hành Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Theo hãng tin AP, việc ký kết sẽ mở đường cho Hiệp định Paris có hiệu lực sớm hơn nhiều so với thời hạn ấn định ban đầu là năm 2020. Lễ ký kết đánh dấu thời điểm các nước khác có thể tiếp tục tham gia thỏa thuận chống biến đổi khí hậu trong vòng 1 năm tới. Tuy nhiên, Hiệp định Paris sẽ chỉ thực sự có hiệu lực, khi ít nhất 55 quốc gia chiếm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu tham gia thỏa thuận. Việc Mỹ và Trung Quốc ký Hiệp định Paris là một tín hiệu tích cực giúp thế giới hy vọng vào một thỏa thuận bảo vệ tương lai của Trái đất, sự sống của loài người.

Tổng thống Pháp Francois Hollande ký hiệp định Paris

Biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến rất nhiều quốc gia trên thế giới. Chính phủ Venezuela vừa phải ra thông báo bắt đầu từ ngày 25-4 tới sẽ tiến hành kế hoạch cắt điện luân phiên tại nhiều khu dân cư của nước này nhằm đảm bảo lượng nước vốn đang thiếu hụt do hạn hán tại đập thủy điện Guri. Giới chức Venezuela cho hay kế hoạch trên kéo dài trong 40 ngày, người dân tại nhiều khu dân cư trên khắp cả nước mỗi ngày sẽ không có điện trong 4 giờ liên tiếp. Thời gian cắt điện được thực thi theo nhiều khung giờ khác nhau, như từ 8 giờ sáng đến trưa, hoặc từ trưa đến 16 giờ…

Hạn hán nghiêm trọng tại Venezuela đã khiến lượng nước trong hồ chứa tại đập Guri, con đập lớn nhất nước này, xuống thấp. Việc giảm lượng tiêu thụ điện năng 4 giờ/ngày sẽ giúp quốc gia Nam Mỹ này đảm bảo được những mục tiêu đã đề ra đến giữa tháng 5, thời điểm bắt đầu mùa mưa. Hạn hán kéo dài đã buộc Chính phủ Venezuela đưa ra nhiều biện pháp nhằm tiết kiệm điện, trong đó có việc cho nhân viên của các cơ quan nhà nước nghỉ làm việc ngày thứ sáu hàng tuần, dịch múi giờ lên 30 phút để tiết kiệm điện.

…mưa quây

Trong khi nhiều quốc gia sống trong cảnh hạn hán thì 7 tỉnh miền trung của Argentina lại bị lũ lụt hoành hành. Ngành nông nghiệp quốc gia Nam Mỹ này bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó vụ thu hoạch đậu tương năm nay của Argentina dự báo sẽ thất thu tới 4 triệu tấn, tương đương khoảng 1,2 tỷ USD.  Nước sông dâng cao do mưa lớn liên tục trong suốt 3 tuần qua tại Argentina cũng buộc 28.000 người phải đi sơ tán, hơn 30.000 người bị ảnh hưởng. Mưa lớn liên tiếp trong những tuần gần đây ở Argentina, Chile và Uruguay đã khiến ít nhất 12 người thiệt mạng.

Mục đích của Hiệp định Paris là giữ cho mức tăng nhiệt độ Trái đất dưới 2°C, đồng nghĩa với việc khoảng 3.600 tỷ tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ được cắt giảm. Theo một nghiên cứu vừa được đăng tải trên tạp chí Earth System Dynamics, nếu nhiệt độ Trái đất tăng thêm 2°C, các tác động tiêu cực sẽ ngày càng lan rộng tại 11 điểm khác nhau. Chẳng hạn, tại Địa Trung Hải, viễn cảnh trên sẽ khiến nguồn cung cá tươi sống của khu vực này giảm tới 20% so với cuối thế kỷ 20. Trong khi đó, tại các khu vực nhiệt đới, tình trạng mất mùa đối với các cây lương thực sẽ tăng gấp 2 lần, đồng thời cũng khiến các hiện tượng cực đoan xuất hiện nhiều hơn. Mực nước trung bình tại các đại dương tăng thêm 10cm, đe dọa tới sự an nguy của hàng chục quốc đảo nhỏ và các khu vực đồng bằng châu thổ trũng thấp có mật độ dân cư đông. Nhiều nhà khoa học bày tỏ quan ngại rằng với thực trạng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch cao như hiện nay, nhiệt độ Trái đất có nguy cơ tăng lên mức 4°C hoặc cao hơn nữa.


ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục