Máy bay thương mại đầu tiên của Nhật Bản cất cánh sau 50 năm

Sáng nay 11-11, chiếc máy bay Mitsubishi Regional Jet (MRJ) 100 chỗ ngồi của Mitsubishi Aircraft Corp đã thực hiện chuyến bay đầu tiên dài 1 giờ cất hạ cánh tại sân bay Nagoya ở Toyoyama, miền Trung Nhật Bản, bước đột phá cho ngành công nghiệp hàng không xứ sở mặt trời mọc.
Máy bay thương mại đầu tiên của Nhật Bản cất cánh sau 50 năm

(SGGP).- Sáng nay 11-11, chiếc máy bay Mitsubishi Regional Jet (MRJ) 100 chỗ ngồi của Mitsubishi Aircraft Corp đã thực hiện chuyến bay đầu tiên dài 1 giờ cất hạ cánh tại sân bay Nagoya ở Toyoyama, miền Trung Nhật Bản, bước đột phá cho ngành công nghiệp hàng không xứ sở mặt trời mọc.

Mitsubishi Aircraft Corp, một đơn vị của Mitsubishi Heavy Industries, nơi từng sản xuất máy bay chiến đấu Zero nổi tiếng thời Chiến tranh Thế giới II, đang hy vọng máy bay phản lực MRJ 47 triệu USD này sẽ giúp cạnh tranh ngôi vị nhà sản xuất máy bay phản lực thương mại cỡ nhỏ lớn thứ 2 thế giới của Bombardier Inc từ Canada. Trong thị trường này, đứng đầu là Embraer SA của Brazil.

Máy bay MRJ thực hiện chuyến bay đầu tiên tại sân bay Nagoya ở Toyoyama, miền Trung Nhật Bản, sáng 11-11-2015. Ảnh: Kyodo

MRJ là máy bay chở khách thương mại đầu tiên của Nhật Bản kể từ chiếc YS-11 64 chỗ ngồi được đưa vào hoạt động 50 năm trước. Dự kiến vào tháng 6-2017, chiếc MRJ đầu tiên sẽ được chuyển giao cho hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản, ANA Holdings. Mitsubishi nhắm sẽ bán được hơn 2.000 chiếc MRJ trong phân khúc thị trường cạnh tranh này.

Đến nay, Mitsubishi đã có 223 đơn đặt hàng, gần đây nhất là Japan Airlines đặt mua 32 chiếc vào tháng 1. Nhưng đơn đặt hàng lớn nhất, 100 chiếc, đến từ Mỹ, nhà điều hành hãng hàng không khu vực Trans State Holdings.

Mitsubishi cho biết MRJ tiêu thụ nhiên liệu ít hơn 1/5 so với máy bay cùng kích cỡ, nhờ động cơ thế hệ mới của Pratt & Whitney, công ty con của United Technologies Corp.

50 năm trước, Nhật Bản đã thành lập một tổ hợp sản xuất máy bay thương mại, trong đó có Mitsubishi Heavy, nhưng nỗ lực này đã kết thúc sau khi xuất xưởng được 182 chiếc YS-11. Tuy nhiên, chương trình đã giúp Mitsubishi Heavy và các công ty khác tạo dựng quan hệ với Boeing Co, trở thành những nhà cung cấp và đối tác lớn của nhà sản xuất máy bay Mỹ và giúp hồi sinh ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Nhật Bản bị gián đoạn sau Chiến tranh Thế giới II. Những công ty Nhật Bản này đang xây dựng 35% trong máy bay phản lực carbon-composite cao cấp Boeing 787, bao gồm cánh, bộ phận phức tạp nhất.

Trong liên doanh MRJ, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản Toyota Motor Corp và hãng thương mại lớn nhất nước Mitsubishi Corp, mỗi công ty sở hữu 10% cổ phần, Reuters cho biết.

GIA HY

Tin cùng chuyên mục