Liên quan đến việc xây hồ sinh học để xử lý nước kênh Ba Bò - Đen vẫn hoàn đen

65% tải lượng ô nhiễm do chất thải công nghiệp
Liên quan đến việc xây hồ sinh học để xử lý nước kênh Ba Bò - Đen vẫn hoàn đen

Trong công văn trình UBND TPHCM, Sở Giao thông Vận tải TP, Trung tâm điều hành chống ngập TP đã cho rằng phương pháp xử lý hồ sinh học đã được áp dụng để xử lý nước kênh Nước Đen. Tại cuộc họp diễn ra ngày 10-11, trung tâm đã nhấn mạnh, kết quả đo đạc chất lượng nguồn nước trước và sau khi xử lý tại kênh Nước Đen bằng phương pháp hồ sinh học cho thấy đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM về chất lượng nước kênh Nước Đen lại cho kết quả hoàn toàn ngược lại. 

Dòng nước kênh Nước Đen đen quánh, đầy rác, bốc mùi nồng nặc phía hạ lưu hồ xử lý nước thải Bình Hưng Hòa quận Bình Tân (ảnh chụp ngày 7-11). Ảnh: NGỌC HIẾU

Dòng nước kênh Nước Đen đen quánh, đầy rác, bốc mùi nồng nặc phía hạ lưu hồ xử lý nước thải Bình Hưng Hòa quận Bình Tân (ảnh chụp ngày 7-11). Ảnh: NGỌC HIẾU

65% tải lượng ô nhiễm do chất thải công nghiệp

Nước Đen là tên con kênh chạy dài từ phường Tân Thành, chảy qua khu vực Phú Thọ Hòa - Tân Quý của quận Tân Phú, xuyên khu Bình Hưng Hòa (nơi có nghĩa trang cùng tên) rồi hợp lưu với kênh 19-5 và kênh Tham Lương ngay bên vách rào bãi rác Gò Cát, quận Bình Tân.

Con kênh này có đặc thù chung là kênh liên quận nên nguồn nước thải mà nó tiếp nhận chứa rất nhiều chất thải công nghiệp và sinh hoạt. Ngoài ra, kênh Nước Đen còn tiếp nhận nước thải công nghiệp của KCN Tân Bình và Tân Phú Trung.

Điều đáng nói, Khu công nghiệp Tân Phú Trung chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Kết quả phân tích nước mặt kênh nước đen do Chi cục Bảo vệ môi trường tiến hành cho thấy, trong nước kênh có chứa 13 thành phần ô nhiễm rất đặc trưng do chất thải công nghiệp. Những chất có nồng độ ô nhiễm cao là COD, BOD, chì, Cadium, Niken…

Hiện tải lượng ô nhiễm công nghiệp chiếm từ 65-95% (tùy theo từng chỉ tiêu ô nhiễm) tổng tải lượng ô nhiễm của con kênh.

Hồ sinh học không xử lý hiệu quả nước thải công nghiệp

Tại cuộc họp ngày 10-11, ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Trung tâm điều hành chống ngập TP, khẳng định, nồng độ các chất ô nhiễm sau khi qua trạm xử lý đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Trong đó, ông Thảo đã dẫn chứng kết quả đo đạc thông số ô nhiễm của 2 chất COD, BOD trước và sau khi nước thải được xử lý qua hồ sinh học trạm Bình Hưng Hòa.

Điều đáng nói, kết quả vào tháng 8-2008 do Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố thực hiện so với kết quả mà trung tâm đưa ra có độ chênh lệch đáng kể. Cụ thể, kết quả đo đạc chất COD, BOD của trung tâm cho thấy nước kênh Nước Đen sau xử lý đều đạt tiêu chuẩn loại B.

Thế nhưng, kết quả chi cục đưa ra đối với 2 chất này lại hoàn toàn không đạt tiêu chuẩn. Thậm chí, với một số chất như chì, Cr, Ni, Cyanua… thì việc xử lý bằng biện pháp hồ sinh học gần như không phát huy hiệu quả.

Kết quả đo đạc thông số ô nhiễm tại kênh Nước Đen những tháng đầu năm 2009 do trung tâm tiếp tục đưa ra cho thấy, nồng độ 2 chất ô nhiễm COD, BOD vẫn đạt tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, gần đây người dân sống hai bên bờ kênh Nước Đen (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) luôn kêu trời vì nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng.

Đặc biệt về phía hạ nguồn, mặc dù dòng nước được xử lý nhưng nước vẫn còn đen, đầy rác, tanh hôi, bốc mùi nồng nặc. Bà Nguyễn Thị Lợi, bức xúc: “Không hiểu sao dòng nước này đã được xử lý qua hồ xử lý Bình Hưng Hòa từ năm 2006 nhưng hiện nay việc ô nhiễm vẫn không được cải thiện”.

Ông Lê Thượng Mãn, đại biểu HĐND TPHCM, cũng khẳng định, kênh nước Đen hiện vẫn là kênh nước đen. Nếu ứng dụng mô hình này cho xử lý nước kênh Ba Bò là không phù hợp và cần cân nhắc. Riêng việc lý giải cho kênh Nước Đen dù đã được xử lý qua hồ sinh học nhưng nước vẫn đen, GS Lâm Minh Triết, Viện Tài nguyên và Môi trường, cho biết thêm, hồ sinh học không thể xử lý được ô nhiễm về độ màu. Do vậy nước đen vẫn hoàn nước đen.

“Dù là kênh Nước Đen hay kênh Ba Bò, chỉ cần là ô nhiễm nước thải công nghiệp thì việc ứng dụng biện pháp xử lý bằng hồ sinh học không đạt hiệu quả như mong muốn” ông Triết nhấn mạnh.

Ái Vân – Ngọc Hiếu

Thông tin liên quan

- Khó khống chế nước thải công nghiệp từ Bình Dương

- Phản hồi về việc xây hồ sinh học để xử lý nước kênh Ba Bò - Không khả thi

- Hơn 700 tỷ đồng xây dựng hồ điều tiết và sinh học-Có cải tạo được nước kênh Ba Bò?

Tin cùng chuyên mục