Một cửa quốc gia, doanh nghiệp vui

Lâu nay doanh nghiệp (DN) luôn kêu ca thủ tục hải quan phức tạp, một sản phẩm nhập khẩu phải qua đến 9 “cửa” của các bộ, ngành, vừa tốn thời gian, vừa mất chi phí. Nay thực hiện Nghị quyết 19/2015/NQ-CP của Chính phủ nhằm giảm thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho DN và xã hội, góp phần đưa Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và quốc tế, Việt Nam chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa ASEAN. Đây là tin vui cho DN.
Một cửa quốc gia, doanh nghiệp vui

Lâu nay doanh nghiệp (DN) luôn kêu ca thủ tục hải quan phức tạp, một sản phẩm nhập khẩu phải qua đến 9 “cửa” của các bộ, ngành, vừa tốn thời gian, vừa mất chi phí. Nay thực hiện Nghị quyết 19/2015/NQ-CP của Chính phủ nhằm giảm thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho DN và xã hội, góp phần đưa Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và quốc tế, Việt Nam chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa ASEAN. Đây là tin vui cho DN.

Hải quan điện tử

Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì triển khai một cửa quốc gia giúp DN và các cơ quan nhà nước thực hiện thủ tục hành chính để cấp phép và thông quan hàng hóa bằng hồ sơ điện tử, giấy phép điện tử qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Đến nay, một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 9 bộ với tổng số bộ hồ sơ là 55.026 thủ tục. Các cơ quan kiểm tra chuyên ngành (kiểm tra chất lượng, kiểm định, kiểm nghiệm...) của các bộ, ngành cũng được kết nối trực tuyến trên cổng thông tin một cửa quốc gia để xử lý và trả kết quả qua mạng. Từ thông tin ở Cổng thông tin điện tử, hải quan và các cơ quan hữu quan thông quan cho hàng hóa cho DN mà DN không phải xách hồ sơ chạy lòng vòng.

Hải quan kiểm tra hàng hóa bằng máy soi container. Ảnh: Cao Thăng

Ngoài ra, Việt Nam còn thực hiện cổng thanh toán điện tử tại tất cả các Cục Hải quan tỉnh, thành phố với 181 dịch vụ công trực tuyến (trong đó có 167 dịch vụ liên quan đến thủ tục hành chính). 100% quy trình, thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên toàn quốc.

 Bên cạnh việc giảm thời gian kiểm tra chuyên ngành từ 2 ngày xuống còn 1 ngày, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo tăng cường trang thiết bị, máy móc kỹ thuật phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hải quan. 11 hệ thống máy soi container; 97 máy soi hành lý, hàng hóa; 19 hệ thống camera và thiết bị an toàn phóng xạ… đã được trang bị tại các cửa khẩu. Tuy nhiên, các thủ tục hành chính kết nối một cửa quốc gia hiện nay mới đạt gần 30% so với tổng số các thủ tục hành chính cấp phép cho hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh. Mục tiêu lâu dài của ngành hải quan là tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo hệ thống VNACCS/VCIS vận hành ổn định, mở rộng thực hiện thanh toán điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, tiến tới kết nối cơ chế một cửa ASEAN... Đồng thời, nghiên cứu đổi mới, nâng cao hiệu quả kiểm tra hàng hóa bằng máy soi container và bổ sung máy soi container, máy soi hàng hóa. Thực hiện công khai hóa tiêu chuẩn áp dụng, đơn vị thực hiện kiểm tra, thời gian và chi phí đối với từng mặt hàng cụ thể phục vụ tốt hơn các yêu cầu của DN.

Kết nối quốc tế

Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính và một cửa quốc gia, từ nay đến năm 2020, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cơ chế một cửa quốc gia. Cụ thể, mục tiêu năm 2018 tất cả các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của các bộ, ngành phải được thực hiện thông qua cổng thông tin một cửa quốc gia.

Về kết nối với các nước ASEAN, từ cuối năm 2015, cơ chế một cửa quốc gia đã được kết nối kỹ thuật với 4 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore) để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ ASEAN. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện nay đang sẵn sàng phục vụ việc kết nối một cửa ASEAN khi nghị định thư pháp lý về cơ chế một cửa ASEAN có hiệu lực trong năm 2016. Phấn đấu đến năm 2017 sẽ chính thức thực hiện cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi một số chứng từ điện tử bên cạnh chứng nhận xuất xứ hàng hóa với các nước thành viên ASEAN. Năm 2018, cung cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chứng nhận kiểm dịch động thực vật, giấy phép rời cảng cho tàu biển điện tử cho các quốc gia có nhu cầu kết nối với cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam. Triển khai thí điểm trao đổi chứng từ điện tử do cơ quan nhà nước cấp với một đối tác thương mại của Việt Nam để tạo thuận lợi cho hàng xuất khẩu. Đến năm 2020, mở rộng trao đổi một số loại chứng từ điện tử trên cơ sở các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, gia nhập để tạo thuận lợi cho giao lưu hàng hóa giữa Việt Nam với các đối tác thương mại quốc tế.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật về quản lý chuyên ngành, sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu thống nhất và quy định về tiêu chuẩn, phương thức kiểm dịch, kiểm tra chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, tổng cục cũng đẩy mạnh đầu tư trang bị và nhân lực tương xứng với nhiệm vụ quản lý. Thực hiện hướng dẫn việc công nhận, chứng nhận kiểm tra của những quốc gia, khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao và của những nhà sản xuất với các nhãn hiệu nổi tiếng đã được quốc tế thừa nhận.

Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chứng từ hồ sơ điện tử, không yêu cầu DN xuất trình bản giấy về kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu; đưa các thủ tục hành chính vào tham gia cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN góp phần hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN; tích cực chia sẻ kết nối dữ liệu phục vụ phân tích hồ sơ quản lý hành khách xuất nhập khẩu, dữ liệu định vị ô tô, tàu biển, vận đơn hàng không… ª

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục