Mua sắm online - xu thế tiêu dùng mới

Những năm gần đây, sự ra đời của hàng loạt website thương mại điện tử gồm: Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi… việc mua sắm online đã không còn mấy xa lạ với người tiêu dùng Việt, đặc biệt là giới trẻ. 
​Mua sắm online phát triển với sự hỗ trợ của thanh toán điện tử
​Mua sắm online phát triển với sự hỗ trợ của thanh toán điện tử
Thị trường mua sắm trực tuyến trở nên sôi động hơn khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng việc mua bán trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… - thị trường mang tính tương tác cao, kết nối rộng, thuận tiện trong giao thương, đang dần hình thành xu hướng tiêu dùng mới - mua bán online. Hiện nay, xu hướng mua bán online ngày càng rõ rệt, đặc biệt với giới tiêu dùng trẻ. Trong đó, tập chọn mua online ngày càng nhiều dòng sản phẩm thuộc các ngành hàng như thiết bị - đồ điện tử kỹ thuật cao; đồ chơi - dụng cụ thể thao; mỹ phẩm; chăn mền, drap, gối, rèm cửa; dụng cụ làm đẹp; văn phòng phẩm và các mặt hàng thời trang… Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết Saigon Co.op cũng đang đẩy mạnh hoạt động phát triển hệ thống thương mại điện tử (E-Commerce) nhằm góp phần đa dạng hàng hóa, tăng tính liên kết giữa các mô hình bán lẻ của Saigon Co.op, tạo sự tiện lợi cho khách hàng khi mua sắm.. Một số chuyên gia nhận định, mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh và đang định hình để thay thế việc mua sắm tại cửa hàng trong tương lai gần. Những nỗ lực giúp cho việc mua sắm trực tuyến trở nên dễ dàng hơn và giải quyết những lo ngại của khách hàng trong thời gian qua, như cải thiện độ an toàn của giao dịch, chính sách đổi - trả hàng, đưa ra mức phí gửi hàng thấp hay miễn phí… góp phần thúc đẩy sự bùng nổ việc mua sắm trực tuyến tại thị trường Việt Nam. Không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm, kênh mua sắm trực tuyến còn được nhiều người tiêu dùng tiếp cận và chọn là kênh tham khảo thông tin chính khi lựa chọn sản phẩm, đặc biệt là người tiêu dùng ở khu vực thành thị. Đây là kênh thông tin có khả năng tương tác tốt nhất của người tiêu dùng khi không bị giới hạn bởi thời gian và không gian; xu hướng tham khảo thông tin qua online mặc dù mới xuất hiện gần đây, nhưng sẽ là kênh thông tin ngày càng phổ biến và là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ số, các doanh nghiệp cần tận dụng nguồn thông tin này để quảng bá sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt những sản phẩm hướng tới đối tượng tiêu dùng trẻ. Ghi nhận ý kiến một số doanh nghiệp cho thấy, tình hình khó khăn hiện nay của thương mại điện tử là thị trường đang tự điều tiết sau chu kỳ tăng trưởng nóng ở giai đoạn 2013 - 2015. Cùng với đó, các đối tượng tham gia mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên thông thái hơn, có kỹ năng, kinh nghiệm lựa chọn sản phẩm và kênh mua sắm trực tuyến uy tín. Do đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, các doanh nghiệp đề xuất cơ quan quản lý cần có thêm những chương trình hỗ trợ thiết thực nhằm thúc đẩy thị trường nhanh chóng hồi phục cũng như phát triển hoạt động kinh doanh bền vững. Thông qua các chương trình này, doanh nghiệp mới có thể khai thác tiềm năng phát triển thương mại điện tử nói chung, giao dịch trên thiết bị di động nói riêng. Theo Sở Công thương TPHCM, đơn vị này sử dụng phần mềm chuyên dụng kiểm tra 216.245 tên miền thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân cư trú trên địa bàn thành phố, qua đó xác định có 127.099 website hoạt động. Trong đó, hiện có khoảng 61.000 website thương mại điện tử hoạt động theo quy định của Nghị định 52/2013/NĐ-CP, bao gồm cả website có tính năng bán hàng trực tuyến và website chưa có tính năng bán hàng trực tuyến. Hầu hết doanh nghiệp thương mại điện tử dẫn đầu đều đang gặp khó khăn về tài chính sau thời gian dài đầu tư cho quảng cáo, truyền thông trực tuyến, buộc phải tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng thu gọn phạm vi hoạt động, tập trung nâng cao hiệu quả kinh doanh.  Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết thị trường thương mại điện tử hiện nay tiếp tục được mở rộng với nhiều mô hình mới. Tiềm năng phát triển thương mại điện tử còn rất khả quan vì giao dịch thương mại điện tử nói chung, giao dịch trên thiết bị di động nói riêng (mobile commerce) ngày càng phổ biến; việc thanh toán trực tuyến cũng đơn giản, tiện dụng hơn. Doanh nghiệp thương mại điện tử thành phố đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng mới của thế giới, tập trung đầu tư website thương mại điện tử một cách chuyên nghiệp, hướng vào xây dựng phiên bản website dùng trên các thiết bị di động như smartphone, máy tính bảng... phục vụ hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo thói quen mua sắm hiện đại của người tiêu dùng trên môi trường mạng.
Báo cáo nghiên cứu do Công ty CBRE Việt Nam thực hiện thông qua ghi nhận ý kiến khoảng 1.000 người tại TPHCM và Hà Nội, cho kết quả có 25% số người tiêu dùng được khảo sát dự định sẽ giảm tần suất mua sắm tại cửa hàng thực tế. Trong khi đó, có 45% - 50% số người được hỏi cho rằng họ sẽ mua sắm trực tuyến thông qua máy tính để bàn, máy tính xách tay hay điện thoại thông minh, máy tính bảng thường xuyên hơn trong tương lai. 

Tin cùng chuyên mục