“Mỏ vàng” từ thị trường thực phẩm và đồ uống

Thị trường ẩm thực và đồ uống Việt Nam được dự báo đạt giá trị gần 1 triệu tỷ đồng vào năm 2026, cho thấy tiềm năng vô cùng lớn, song cũng không kém phần khốc liệt.

Thị trường thực phẩm, đồ uống có dư địa phát triển lớn
Thị trường thực phẩm, đồ uống có dư địa phát triển lớn

“Mỏ vàng” tỷ đô

Theo giới kinh doanh, với gần 100 triệu người tiêu dùng, Việt Nam được đánh giá là thị trường lớn, phát triển sôi nổi và cũng là “miền đất hứa” cho các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, đồ uống (F&B).

Trong báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 và dự báo năm 2024 vừa được Công ty CP iPOS.vn công bố cho thấy, doanh thu ngành F&B tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao với hơn 590.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11,47% so với năm 2022. Riêng thị trường ăn tại quán đóng góp 538.500 tỷ đồng, tăng 10,87% so với năm 2022.

Theo ước tính của iPOS.vn, doanh thu thị trường ngành F&B Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, hướng tới giá trị đạt hơn 655 ngàn tỷ đồng vào năm 2024. Về giá trị toàn thị trường của ngành F&B Việt Nam, theo ước tính của Tổ chức tư vấn và nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường F&B Việt Nam dự kiến sẽ đạt 22,72 tỷ USD vào năm 2024 và chạm mức 36,29 tỷ USD vào 2029, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 9,82% giai đoạn 2024-2029. Những con số này cho thấy tiềm năng của ngành F&B rất lớn, qua đó mở ra nhiều cơ hội cho giới khởi nghiệp.

Điều này lý giải vì sao thời gian qua trên thị trường ngoài những tên tuổi lớn như Masan, Kido, ABC, Bích Chi, Bình Tây… đã có rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như thương hiệu ngoại gia nhập. Điển hình là trong tháng 3-2024, trên thị trường trà sữa tại Hà Nội đón nhận thêm một thương hiệu lớn của Thái Lan là Chatramue (đang sở hữu 100 cửa hàng trà sữa ở Thái Lan và hơn 40 cửa hàng tại Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc).

Nắm bắt để làm chủ cuộc chơi

Mặc dù thị trường F&B Việt được đánh giá tiềm năng song thời gian qua đã chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ và theo nhận định của ông Vũ Thanh Hùng, Tổng giám đốc iPOS.vn, cuộc chiến cạnh tranh trong ngành F&B trong năm 2024 sẽ trở nên gay gắt hơn. Lý do được ông Nguyễn Lâm Viên, CEO Vinamit cho biết, xét về giá trị sản xuất, thực phẩm và đồ uống là ngành có giá trị và tổng doanh thu rất lớn trong các ngành hàng kinh tế Việt Nam. Chính vì sở hữu nhiều tiềm năng phát triển nên lĩnh vực này trở thành lựa chọn của nhiều nhà đầu tư, cùng với đó sự cạnh tranh cũng khốc liệt hơn.

Do vậy, để chinh phục khách hàng cũng như tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc Công ty CP Bánh kẹo Á Châu, cho rằng, các doanh nghiệp cần cải tiến sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời tìm kiếm thêm kênh bán hàng, kênh marketing mới để tìm kiếm đối tác quốc tế. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu cũng là điều mà các doanh nghiệp F&B nên hướng tới khi mà sức chi tiêu, mua sắm của người tiêu dùng trong nước sụt giảm.

Theo các chuyên gia, hiện nay, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chiếm khoảng 13% dân số cả nước. Phần lớn tầng lớp này sẽ tập trung ở khu vực thành thị, giúp các công ty trong ngành F&B dễ dàng nhắm đến các thị trường mục tiêu. Điều này cho thấy, sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu trong tương lai sẽ kèm theo nhu cầu tiêu thụ đa dạng các sản phẩm và dịch vụ, và đây là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong ngành F&B Việt Nam. Đáng chú ý, những năm gần đây, thế hệ gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012) đang dần trở thành nhóm khách hàng chiếm lĩnh thị trường, khi không chỉ “chịu chơi” mà còn “chịu chi”. Chính vì thế, việc nắm bắt xu hướng tiêu dùng và giữ chân khách hàng gen Z đang là mục tiêu của rất nhiều nhãn hàng F&B hiện nay. “ABC Bakery mới đây đã tung ra thị trường một món kem mới, hướng đến đối tượng khách hàng trẻ, có kết hợp từ nguồn nguyên liệu nông sản trong nước như xoài, sầu riêng, bơ....”, ông Kao Siêu Lực cho biết khi nói về sự thích ứng của doanh nghiệp.

Đặc biệt, các chuyên gia cũng nhận định, doanh nghiệp F&B cần thay đổi về cách vận hành để thích ứng linh hoạt với xu hướng mới của thị trường và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của mình. Cụ thể là thích ứng xu hướng sử dụng dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến, bởi theo báo cáo từ iPOS.vn, tần suất đặt hàng online của người Việt vẫn ở mức cao, với 29,4% gọi giao đồ ăn từ 1-2 lần/tuần, 20% gọi giao đồ ăn từ 3-4 lần/tuần. Riêng năm 2023 vừa qua, doanh thu của thị trường giao đồ ăn trực tuyến tăng trưởng hơn 20,18%, đạt mốc 52,4 ngàn tỷ đồng. Vì vậy, doanh nghiệp F&B Việt cần thay đổi mô hình bán lẻ truyền thống bằng mô hình bán hàng trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline). Có như vậy mới thích ứng được trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục