Người Việt chuộng hàng Việt

Tại các kênh phân phối từ thành thị đến nông thôn, hàng Việt đang phủ sóng với tỷ lệ chiếm trên 90% và được người tiêu dùng (NTD) đón nhận tích cực. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ mà doanh nghiệp sản xuất cũng như bán lẻ thực hiện suốt thời gian qua.

Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng
Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng

Hàng Việt chiếm tỷ lệ áp đảo

Ghi nhận của phóng viên tại một số siêu thị như Co.opmart, Winmart, Satra… trên địa bàn TPHCM cho thấy, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ áp đảo từ 90%-95%. Ngay kênh phân phối ở các chợ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt cũng chiếm từ 60% trở lên. Điều này cho thấy, nhận thức của NTD đã thay đổi đáng kể. Đây không chỉ là kết quả tích cực từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mà còn bởi hàng Việt Nam đã trở thành sự lựa chọn không thể thiếu của NTD.

Chị Nguyễn Ngọc Anh (quận 3, TPHCM) kể, 3 năm trở lại đây chị luôn ưu tiên hàng Việt mỗi khi mua sắm đồ dùng thiết yếu trong nhà. “Tôi chọn hàng Việt vì giá phải chăng, chất lượng và mẫu mã không kém hàng ngoại. Vì thế mà từ quần áo, dụng cụ học tập, nồi chảo đến thực phẩm… trong nhà tôi đều là hàng Việt”, chị Ngọc Anh chia sẻ. Còn với chị Ngô Mai Thy (TP Thủ Đức, TPHCM), các sản phẩm hàng Việt, đặc biệt là dòng hàng nhãn riêng của siêu thị Co.opmart là lựa chọn hàng đầu.

Theo chị Thy, các sản phẩm hàng Việt như thực phẩm tươi sống, rau củ quả dòng hàng nhãn riêng Co.op được gia đình chị chọn lựa bởi đạt chuẩn Global GAP và gần gũi với thiên nhiên. “Dưa leo giống Nhật Co.op Select, xà lách mỡ Co.op Select, cà chua beef Co.op Select, thanh cua surimi Co.op Finest, đường kính trắng Co.op Happy, ly giấy Co.op Select, túi rác màu Co.op Happy… là những sản phẩm mà gia đình tôi chọn mua thường xuyên”, chị Thy cho biết rất hài lòng về chất lượng vì không thua kém hàng nhập khẩu, giá lại rẻ hơn nhiều.

Đưa sản phẩm chất lượng, độc đáo đến người tiêu dùng

Theo các doanh nghiệp bán lẻ, NTD ngày càng kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng, ngoài kiểu dáng, độ bền, còn đặc biệt quan tâm đến sự an toàn sức khỏe. So với hàng nhập ngoại, hàng Việt Nam có nhiều lợi thế bởi sự hiểu biết về thị hiếu và thói quen của NTD trong nước. Quan trọng hơn, NTD ngoài quan tâm chất lượng còn chú ý đến yếu tố “độc”, “lạ”. Bởi vậy, thời gian qua, những sản phẩm mang tính độc đáo thường thu hút NTD mua sắm nhiều hơn.

Điển hình như tại hệ thống các siêu thị của nhà bán lẻ Saigon Co.op, ngoài cam kết kinh doanh từ 90% hàng Việt trở lên, trên quầy kệ còn liên kết chặt chẽ với nhà sản xuất để cải tiến mẫu mã, chất lượng, đưa vào hệ thống thêm sản phẩm mới lạ. Có thể kể, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra của nhà bán lẻ này đã đưa vào kinh doanh thành công một loại “báu vật sông Mê Công” là cá tra dầu đạt chuẩn xuất khẩu với giá ưu đãi 89.900 đồng/kg (khi mua nguyên con) vào cuối năm 2023. Cùng thời điểm, Saigon Co.op tiếp tục “bắt trend” và đưa bí mì sợi (bí spaghetti) vào phân phối tại hệ thống bán lẻ Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Finelife để đa dạng nguồn hàng, giúp khách hàng có thêm nhiều trải nghiệm. Dịp Tết Nguyên đán 2024, nhà bán lẻ này tiếp tục đưa đặc sản của các vùng miền như hạt điều Bình Phước, cá dứa Cần Giờ, lạp xưởng Sóc Trăng, bánh tét Trà Vinh, nước mắm lú Bình Thuận, tôm khô, hạt điều lụa, hạt mắc ca, bánh phồng tôm… vào giỏ quà đặc sản tết và được nhiều NTD đón nhận.

Cùng với việc đưa hàng Việt chất lượng, độc đáo vào hệ thống siêu thị, Saigon Co.op còn phối hợp ngành công thương tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, giúp người dân có cơ hội tiếp cận với hàng hóa nội địa chất lượng cao, giá cả hợp lý. Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM nhận xét, hàng Việt đã và đang đi sâu vào đời sống người lao động, từ nông thôn và thành thị; chất lượng hàng Việt ngày càng được nâng cao hơn. Điều này cho thấy, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam” đã tạo sức lan tỏa lớn trong nhân dân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt.

Những thành quả trên là nền tảng để năm 2024 các ngành, các cấp của TPHCM tiếp tục triển khai nhiều chương trình lồng ghép như: đề án Phát triển thương mại trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025; chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)… nhằm lan tỏa hàng Việt tới cộng đồng. Trong đó, trọng tâm là chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TPHCM. Theo đó, thông tin của nhà cung cấp và kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa sẽ được chia sẻ giữa các hệ thống phân phối tham gia chương trình. Sản phẩm vi phạm cam kết về chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị tất cả hệ thống phân phối trong chương trình đánh giá lại, có nguy cơ đánh mất hoàn toàn thị trường.

Việc triển khai đồng bộ những hoạt động này được Sở Công thương TPHCM khẳng định nhằm góp phần tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt ở thị trường nội địa, tạo sân chơi cạnh tranh để hàng Việt ngày càng phát triển lên tầm cao mới.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op:

Là siêu thị của người Việt, do người Việt điều hành nên hơn ai hết chúng tôi phải làm tốt nhất Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cũng như chủ động nâng cao giá trị chuỗi cung ứng với hàng Việt trong thời gian tới. Qua đó, giúp hàng Việt có bệ đỡ để tất cả người Việt được sử dụng hàng Việt một cách tự nguyện, không có rào cản nào.

Tin cùng chuyên mục