Năm nay có 10-12 cơn bão, xâm mặn và hạn hán sẽ kéo dài

Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng - Thủy văn tại hội nghị chiều 22-3, năm nay sẽ có khoảng 10-12 cơn bão xuất hiện muộn, đồng thời tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán sẽ diễn ra gay gắt hơn năm 2018, kéo dài nhất là tại Nam bộ và Nam Trung bộ.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và nhận định về xu thế thiên tai, thời tiết trong mùa mưa bão lũ năm 2019 tổ chức chiều 22-3 tại TP Hải Phòng, Tổng cục Khí tượng – Thủy văn cho biết như sau:

Năm nay, bão xuất hiện muộn và có từ 10-12 cơn bão

Hiện tượng ENSO được dự báo sẽ duy trì trạng thái El Nino yếu từ nay cho tới khoảng tháng 7, tháng 8 năm 2019 với xác suất 60-70%. Đến cuối năm 2019, ENSO có khả năng trở về trạng thái trung tính. Như vậy, có thể nhận định El Nino năm 2018-2019 có cường độ yếu và không kéo dài.

Mùa bão năm 2019 trên khu vực biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2019 có khả năng ít hơn so với trung bình nhiều năm, cụ thể có khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ trong những tháng nửa cuối năm 2019.

Nhiệt độ trung bình từ tháng 4 đến 8-2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5-1 độ C.

Nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm hơn trung bình tại các khu vực phía Tây Bắc bộ và khu vực Trung bộ. Khu vực miền Đông Nam bộ còn xuất hiện nhiều ngày nắng nóng trong nửa cuối tháng 3 và tháng 4-2019. Các đợt nắng nóng có khả năng tập trung từ tháng 4-5 ở phía Tây Bắc bộ, từ tháng 5-6 ở phía Đông Bắc bộ, từ tháng 5-8 tại khu vực Bắc và Trung Trung bộ.

Trong năm 2018, mưa lũ lớn sau bão đã tàn phá nặng nề tại các tỉnh ở Tây Bắc bộ. Trong ảnh: cầu Tân Sơn ở tỉnh Phú Thọ bị sập do lũ cuốn vào tháng 7-2018
Tại Hà Nội, nước ngập mênh mông ở khu vực phía Tây do mưa lũ liên miên năm 2018

Về nguy cơ mưa lũ trong mùa mưa lũ 2019, tại Bắc bộ, đỉnh lũ trên các sông suối phổ biến ở mức BĐ2-BĐ3, một số sông suối nhỏ trên BĐ3. Lũ quét và sạt lở đất có khả năng xuất hiện sớm ngay từ các tháng đầu mùa mưa lũ, nhiều đợt lũ quét và sạt lở đất tập trung tại vùng núi phía Tây Bắc.

Từ tháng 3 đến 5-2019, lượng dòng chảy trên các sông ở Trung bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm; riêng các sông từ Quảng Nam đến Bình Định và Bình Thuận phổ biến ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm.

Nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tình hình hạn hán thiếu nước xảy ra cục bộ ở những vùng nằm ngoài khu vực cấp nước của các công trình thủy lợi.

Mùa khô năm 2019 ở các tỉnh ven biển Trung Trung bộ và Nam Trung bộ khả năng kéo dài tới tháng 8-2019, nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng cửa sông tại các tỉnh thuộc khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung bộ.

Xâm nhập mặn vùng đồng bằng Nam bộ ít gay gắt hơn so với năm 2016 nhưng vẫn ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn năm 2018.

Năm nay, hệ thống giao thông thiệt hại nặng sau bão

Trong mùa lũ năm 2019, đỉnh lũ trên các sông ở khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Trong năm 2019, tại khu vực ven biển Nam bộ triều cường cao sẽ xuất hiện vào những ngày thuộc tuần đầu của tháng 10, 11 và 12. Trong khi đó, tại ven biển Nam Trung bộ nguy cơ triều cường cao tập trung vào tháng giữa 10, 11 và 12, nhất là khi trùng với hoạt động của không khí lạnh lấn sâu xuống Trung bộ. Sạt lở bờ biển tại ven biển Trung bộ vẫn diễn ra nghiêm trọng do sóng lớn trong gió mùa Đông Bắc kết hợp với triều cường.

Tin cùng chuyên mục