Ngăn chặn tình trạng bán điều non

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại tỉnh Bình Phước, nhiều đối tượng đã mua điều non, dụ dỗ cầm cố đất, vay lãi suất cao và ép giá… cho đến khi đồng bào không trả được thì xiết đất. 
Điều này đã làm cho đời sống của đồng bào nơi đây gặp khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự. 
Nhiều hộ dân bị siết đất
Năm 2010, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Chỉ thị số 14/2010/CT-UBND về việc tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS. Sau hơn 7 năm thực hiện, vấn nạn này phần nào đã được hạn chế. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Ban Dân tộc - HĐND tỉnh Bình Phước, tình trạng này đã tái diễn. Qua thống kê sơ bộ, trong năm 2017, tổng số hộ DTTS bán điều non là 375 hộ, với diện tích 523,4ha và tổng số tiền 22,6 tỷ đồng.  
Ngăn chặn tình trạng bán điều non ảnh 1 Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước thu hoạch điều 
Tại xã Thọ Sơn (huyện Bù Đăng), đã phát hiện 50 hộ đồng bào DTTS, chủ yếu là người M’nông và S’tiêng, bán điều non với diện tích lên tới hơn 110ha, với khoảng 7,2 tỷ đồng. Thời hạn bán thường kéo dài, có hộ bán 3ha với thời hạn 17 năm, giá 90 triệu đồng; có hộ  bán gần 6ha và cũng có hộ bán 2,2ha, thời hạn 20 năm, với giá 400 triệu đồng. Lãnh đạo xã Thọ Sơn cho biết, tình trạng bán điều non và bán rẫy trong vùng đồng bào DTTS là do bà con không biết tính toán làm ăn kinh tế làm biếng lao động, thích nhậu nhẹt… Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã tiếp cận, tìm cách dụ dỗ và nhiều hộ đã “sập bẫy”.
“Thấy một số hộ bán điều non có tiền tiêu xài trước mắt, các hộ khác cũng bị dụ dỗ theo. Không ít trường hợp bán điều non, bán rẫy để mua xe hơi, nhưng do mua phải xe hơi cũ, chất lượng kém, nên sau khi mua chỉ “trùm mền” để một chỗ”, một vị lãnh đạo xã nói.  
Ngoài bán điều non, năm 2017, xã Thọ Sơn có 10 hộ sang nhượng hơn 23ha rẫy, trị giá hơn 4,3 tỷ đồng. Song, trên thực tế có thể nhiều hơn, bởi đối tượng mua dụ dỗ đồng bào rất kín đáo, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Chúng thường nói với đồng bào rằng, “đừng cho ai biết”. “Điều này được giải thích bởi từ khi có dịch vụ công chứng tư, người dân ít đến UBND xã công chứng giấy tờ, chỉ khi bị “sập bẫy” mới cậy nhờ đến chính quyền giúp đỡ. Do đó, ngoài việc tăng cường tuyên truyền đến người dân hiểu về tác hại của việc bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất…, xã Thọ Sơn đề nghị các cơ quan hữu quan vào cuộc nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm vấn nạn nhức nhối này”, vị lãnh đạo xã cho hay. Tình trạng bán điều non cũng đang diễn ra khá phổ biến tại huyện Bù Gia Mập, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống.
Lâm cảnh khốn khó
Khi bán điều non, nhiều người dân mất đất sản xuất, dẫn đến thiếu công ăn việc làm và nghèo khó tiếp tục bủa vây. Anh Điểu Rá (47 tuổi) có 4ha điều ở huyện Bù Gia Mập, do thiếu nợ nên phải “bán tống bán tháo” diện tích điều non và đất rẫy giá 110 triệu đồng, với thời hạn 5 năm. Hiện không còn đất sản xuất, anh Điểu Rá phải đi làm thuê, làm mướn trong các rẫy cao su. Đứa con 13 tuổi của anh phải bỏ học theo mẹ đi bóc tách vỏ điều cho các hộ dân và cơ sở chế biến điều trong vùng. “Dù biết bị ép giá nhưng chẳng còn cách nào khác, phải “cắn răng” để bán rẫy điều của gia đình. Đành phải chờ 5 năm nữa mới lấy lại được. Không biết lúc đó, vườn điều có được chăm sóc kỹ lưỡng, có còn cho năng suất cao như bây giờ nữa không”, anh Điểu Rá ngậm ngùi. 
Còn anh Điểu Mây (29 tuổi), do thiếu tiền ngân hàng nên đã bán đứt 3,4ha điều đang thu hoạch với giá 120 triệu đồng. Từ ngày bán đất, gia đình lâm cảnh khó khăn, mẹ đã già, 2 con còn nhỏ, do không có đất sản xuất nên anh phải vào rẫy cao su để cạo thuê, mỗi tháng thu nhập hơn 4 triệu đồng. Do trong năm chỉ có 9 tháng thu hoạch mủ, nên 3 tháng còn lại, anh Điểu Mây phải vào rừng săn mật ong để bán; hoặc vào xưởng mộc làm. Giờ anh chỉ biết tiết kiệm tiền rồi mai đây có chút vốn để mua lại đám rẫy.
Ông Nguyễn Đình Sang, Phó ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, cho biết: “Việc mua bán điều non, cho vay lãi suất cao và sang nhượng đất là quan hệ về dân sự bình thường trong đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, các giao dịch này, là của những đối tượng có biểu hiện lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào DTTS về pháp luật và thông tin thị trường để dụ dỗ, lừa đảo, ép giá, dẫn đến đồng bào không trả được thì siết đất, khiến bà con không còn đất sản xuất, đời sống khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự trong vùng đồng bào DTTS của địa phương. Nhưng hình thức giao dịch là viết giấy tay nên chính quyền cơ sở rất khó phát hiện” .

Tin cùng chuyên mục